Chủ Nhật, 10/11/2024 16:05

Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vững vàng để phát triển

10/10/2024 - 09:09 | Thời sự - chính trị

Với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, ghi dấu son trên bản đồ Thủ đô các nước trên thế giới.

Hà Nội tổ chức thực cảnh tái hiện Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm về trước (10/10/1954) - Ảnh: VGP

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, 70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954), Thủ đô Hà Nội đã vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, nhìn lại 70 năm phấn đấu hy sinh, xây dựng và phát triển, Hà Nội và nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu của chúng ta, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô với tầm nhìn mới và tư duy đột phá

Hà Nội cùng cả nước hiện đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030: "Phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao"; quyết tâm thực hiện thắng lợi di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và Hà Nội, trong đó luôn khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội là "Trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước".

Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội: Lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, những định hướng quan trọng được dựa trên cơ sở khoa học và dựa trên tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển Thủ đô gắn với bối cảnh của thời đại và điều kiện hiện nay của Hà Nội, là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội". Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị như một bản Cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô Hà nội trong thời kỳ mới.

Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, là một bước cụ thể hóa những tư tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Đặc biệt là Luật Thủ đô năm 2024 mở ra cho Hà nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao… phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến thăm, tặng quà tri ân gia đình người có công nhân dịp kỷ niệm 10-10.

Hà Nội được bạn bè thế giới biết đến như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Hà Nội có nền tảng chính trị - xã hội ổn định, có nhiều lợi thế trong khai thác và phát huy các nguồn lực văn hoá, con người và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, đặc biệt là 70 năm xây dựng và trưởng thành từ ngày Thủ đô được giải phóng, hệ thống chính trị ở Thủ đô được bồi dưỡng, vun đắp, hoàn 12 thiện và ngày nay trở thành một khối vững chắc, là cơ sở đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Thủ đô Hà Nội ngày nay được bạn bè thế giới biết đến như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn bởi sự trách nhiệm của chính quyền, thân thiện của người dân và sự phong phú, đặc sắc của văn hoá. Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà nội và vinh danh Hà nội là "thành phố vì hoà bình", "thành phố sáng tạo"…

Văn hoá và các nguồn lực về văn hoá ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, địa phương trong xã hội hiện đại. Với lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung di sản văn hóa lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc , có cơ hội đánh giá, xác định thêm các di sản có khả năng được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Hà Nội là trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn nhất cả nước, có điều kiện, cơ hội khai thác, phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hoá phong phú của Trung ương trên địa bàn. Thủ đô Hà Nội là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài của cả nước.

Trên địa bàn có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% tổng số GS, PGS, TS và TSKH đang sinh sống và làm việc, nhiều nghệ nhân, văn nghệ sĩ, là tiềm năng, nguồn vô giá, giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới trong thời kỳ mới. Đây là những tiềm năng to lớn để khai thác, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hà Nội phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội và tận dụng xu thế phát triển của thời đại để xây dựng và phát triển Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Trong thời gian tới, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với những cơ hội và thách thức đan xen trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội và tận dụng xu thế phát triển của thời đại để xây dựng và phát triển Thủ đô với quan điểm phát triển Thủ đô: - Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ đô sẽ tiếp tục tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Bên cạnh đó, bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hoá và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển.

Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. - Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Thủ đô trong mọi tình huống. Tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội văn hiến, thanh bình và thịnh vượng, thành phố toàn cầu.

Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô- Ảnh: VGP/Gia Huy

Mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Hà Nội cũng hình thành các không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các sáng kiến và cam kết của Thủ đô Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm