Thứ Bảy, 18/01/2025 14:48

Nghị quyết 57 tạo bước đột phá, thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài

17/01/2025 - 07:54 | Thời sự - chính trị

Với sự đột phá về cơ chế của Nghị quyết 57, một môi trường có nhiều ưu đãi, thuận lợi dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài trở về cống hiến.

Một trong 8 nhiệm vụ và giải pháp đột phá được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành cơ chế thu hút nhân tài, trong đó tri thức người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế.

Với sự đột phá về cơ chế của Nghị quyết 57, một môi trường có nhiều ưu đãi, thuận lợi dành cho nghiên cứu và phát triển sẽ thu hút các trí thức người Việt ở nước ngoài trở về cống hiến trí tuệ cho đất nước.

Từ Australia, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm đang hợp tác với một số đơn vị trong nước phát triển các thiết bị năng lượng giảm phát thải, tuy nhiên không phải dự án nào cũng triển khai nhanh bởi còn nhiều quy định, thủ tục rườm rà. Điều này được kỳ vọng sớm thay đổi nhờ cơ chế hợp tác mới.

"Ở trong nước, chúng ta cần phải cải cách thêm, có những cơ chế riêng cho việc hợp tác, đặc biệt là hợp tác mang tính quốc tế", TS. Nguyễn Duy Tâm (nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trường Hóa học, Đại học Monash, Australia) chia sẻ.

Nghị quyết 57 tạo bước đột phá, thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Bên cạnh đó, các cơ chế thu hút chuyên gia là yếu tố quan trọng để khuyến khích sự đóng góp của các trí thức người Việt ở nước ngoài.

"Nếu chúng ta có thể thu hút các chuyên gia làm việc tại Việt Nam hoặc có thể làm việc bán thời gian, qua đó Việt Nam sẽ có một lượng chuyên gia và chất xám rất lớn", TS. Nguyễn Đình Quý (Giám đốc phát triển, Tập đoàn điện tử Mitsubishi tại Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ) nêu quan điểm.

"Việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng như máy móc cho phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số sẽ được đầu tư lớn mạnh hơn nữa ở Việt Nam để các nhà nghiên cứu có điều kiện phát triển và biến ý tưởng của mình thành những sản phẩm", TS. Ngô Minh Chữ (Chủ tịch Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản) nhận định.

Để tập hợp phát huy sức mạnh từ hơn 600.000 chuyên gia trí thức người Việt ở nước ngoài, công tác tiếp cận, kết nối và điều phối các mạng lưới các trí thức khoa học cần được triển khai mạnh mẽ hơn, theo tinh thần của Nghị quyết 57.

"Năm 2025 sẽ có nhiều hoạt động để phát huy tối đa nguồn lực này bằng cách tổ chức hội nghị, hội thảo, hoặc các chương trình kết nối để chuyên gia, trí thức ta được tham gia, được hiến kế một cách cụ thể, hay có dự án cụ thể để chuyên gia, trí thức ta có thể về nước để cùng nghiên cứu", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Bên cạnh chính sách thu hút nhân tài, Nghị quyết 57 nhấn mạnh việc đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro. Đây là điểm mới được các chuyên gia ở nước ngoài kỳ vọng sẽ tạo đột phá về hợp tác trong và ngoài nước thời gian tới.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm