Thứ Năm, 26/12/2024 17:02

Lực lượng hải quân làm chủ công nghệ, đóng mới tàu chiến hiện đại

12/12/2024 - 11:24 | Thời sự - chính trị

Trong biên chế của lực lượng Hải quân, tàu pháo là một trong những vũ khí quan trọng khi làm nhiệm vụ tuần tiễu, chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong biên chế của lực lượng Hải quân, tàu pháo là một trong những vũ khí quan trọng khi vừa làm nhiệm vụ tuần tiễu, chiến đấu, vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong nhiều năm qua, bên cạnh các loại tàu chiến thế hệ mới được trang bị và chuyển giao công nghệ cho quân đội, nhà máy đóng tàu Z173, Tổng cục công nghiệp quốc phòng đã chủ động nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo tàu pháo TT400 TP.

Đây là loại tàu tuần tiễu tấn công nhanh trang bị vũ khí tự động, lần đầu tiên được sản xuất trong nước. không chỉ góp phần giảm giá thành mà còn nâng cao tính chủ động trong sản xuất, chế tạo tàu chiến phục vụ các nhiệm vụ Quốc phòng.

Lực lượng hải quân làm chủ công nghệ, đóng mới tàu chiến hiện đại - Ảnh 1.

Chiếc tàu pháo TT-400TP của bộ đội Hải quân đang hành quân hải trình trên biển. Đây là lớp tàu pháo tấn công nhanh có khả năng tác chiến trong điều kiện sóng cấp 5 và chạy trong điều kiện gió cấp 9, 10 được trang bị vũ khí điều khiển tự động, có khả năng tiêu diệt tàu chiến đổ bộ và tàu hộ tống của địch; bảo vệ căn cứ, tàu dân sự trên biển và trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước. Là con tàu hoạt động dài ngày trên biển được nhà máy Z173 thiết kế và sản xuất, tàu pháo TT400 TP có tính năng hiện đại, tích hợp nhiều loại vũ khí có radar dẫn bắn để tiêu diệt cả mục tiêu trên biển, trên không.

Đại tá Nguyễn Biên Thùy, Phó Giám đốc Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết: "Trên cơ sở tàu tuần tra TT 400 của Cảnh sát biển kết hợp với viện nghiên cứu vũ khí để chế tạo tàu tích hợp với các loại vũ khí như AK630 uy lực mạnh nhất của tàu chiến hiện đại hiện nay, trang bị pháo 176, AK 630, súng máy 12ly 7, tên lửa tầm thấp".

Trên cơ sở mẫu tàu tuần tra cảnh sát biển từng sản xuất, nhà máy Z173 đã phối hợp với viện thiết kế tàu, viện vũ khí để đóng tàu pháo theo môđun tổng đoạn. Mỗi môđun được thiết kế và bố trí lắp đặt các thiết bị gần như hoàn chỉnh theo từng khối, sau đó sử dụng cần cẩu đấu lắp tổng thành các đoạn môđun. Khó khăn chính là đảm bảo thiết kế động lực, tuyến hình thân tàu đáp ứng vận tốc di chuyển, độ giãn nước, vừa tích hợp sử dụng các loại vũ khí hiện đại.

Lực lượng hải quân làm chủ công nghệ, đóng mới tàu chiến hiện đại - Ảnh 2.

Thượng tá Đặng Công Trữ, Trưởng phòng Thiết kế công nghệ, Nhà máy Z173 chia sẻ: "Mỗi con tàu có nhiều ngành nghề đặc biệt là trang bị vũ khí nên phải nhìn thấy tổng thể con tàu sau đó chia nhỏ ra rồi phân công cho các bộ phận để kết kế thi công".

Do có độ giãn nước 400 tấn, tốc độ cao nên vỏ tàu được thiết kế bằng thép hợp kim cường độ cao, chính vì thế công nghệ hàn ghép đòi hỏi kỹ thuật hết sức khắt khe, chính xác. Tùy từng vị trí, các máy hàn tự động đa năng sẽ được bố trí sử dụng với những thợ hàn kinh nghiệm

Thiếu tá Lưu Văn Lý, Công nhân phân xưởng vỏ tàu, Nhà máy Z173 thông tin: "Có những đường hàn chia thành nhiều lớp, có những đường hàn thì phải chịu áp lực siêu âm, chịu được áp lực hay không, đủ điều kiện hoạt động không".

Đóng môdun theo tổng đoạn cần chính xác đến từng milimet nên từ thân vỏ tàu đến các chi tiết trong khoang máy, bệ pháo, hệ thống chỉ huy đều được nhà máy áp dụng các công nghệ sản xuất mới như máy cắt CNC, máy hàn công nghệ cao. Những thiết bị này vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vừa rút ngắn tiến độ thi công các con tàu.

Lực lượng hải quân làm chủ công nghệ, đóng mới tàu chiến hiện đại - Ảnh 3.

Thượng tá Nguyễn Năng Dũng, Quản đốc Xí nghiệp vỏ tàu, Nhà máy Z173: Đầu tư 4 máy cắt CNC có thể cắt 100 tấn thép mỗi ngày và hệ thống máy hàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa.

Nhờ làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự, năng lực thi công, đến nay nhà máy Z173 đã đóng mới, nhiều tàu tuần tra cao tốc, tàu đổ bộ, tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển, tàu chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, tàu chở quân… kịp thời bàn giao cho các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển.

Thượng tá Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cho biết: "Triển khai đóng tàu theo hình thức mua thiết kế cơ sở sau đó Hồng Hà làm chủ thiết kế thi công và thiết kế kỹ thuật để đóng mới tàu, qua đó tiết kiệm chi phí đóng mới và làm chủ công nghệ đóng tàu chiến đấu hiện đại".

Lực lượng hải quân làm chủ công nghệ, đóng mới tàu chiến hiện đại - Ảnh 4.

Bằng sự sáng tạo, chủ động công nghệ, những người lính thợ nhà máy Z173 đã và đang chế tạo thành công nhiều gam tàu mới. Trong năm 2024, đơn vị này đã đóng mới, sửa chữa 20 tàu quân sự, tàu tuần tra, vận tải và xuồng cao tốc góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Theo VTV.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm