Báo Tuyên Quang
  • Tuyên Quang
    oC

Hội thảo đánh giá xử lý sạt, trượt đất tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần

16:37, 16/12/2024

Sáng ngày 16/12, tại thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp xử lý sạt trượt đất khu vực thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần. Đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang và Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Huy Ngọc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; đồng chí Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng dân tộc Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ Xây dựng, TN&MT, KH&CN, Viện Hàn lâm khoa hoa học công nghệ Việt Nam; đại diện một số trường Đại học và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Hà Giang.

 

Quang cảnh hội thảo

Do đặc điểm tự nhiên tại khu vực thị trấn Cốc Pài, các hiện tượng như sạt lở đất đá, hình thành phễu Karst hay hang động Karst đã xuất hiện từ lâu, gây ra thiệt hại lớn cho người và tài sản của nhân dân. Trước nguy cơ sạt lở ở mức cao, từ những năm 2009 UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN triển khai Đề tài đánh giá nguy cơ sạt lở trung tâm huyện Xín Mần. Đến giữa năm 2023, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Xín Mần phối hợp với Liên danh Viện Địa chất và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thực hiện đánh giá diễn biến, nguy cơ sạt lở có khả năng ảnh hưởng tới khu vực trung tâm thị trấn. Từ đó, đề xuất giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại, phục vụ phát triển mở rộng không gian hạ tầng, kỹ thuật của thị trấn Cốc Pài. Nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào 11 nhóm vấn đề lớn như: Thu thập tài liệu, khảo sát hiện trạng sạt lở khu vực trung tâm thị trấn Cốc Pài và khu tái định cư Súng Sảng; đánh giá hiện trạng và dự báo nguy cơ, diễn biến sạt lở; xác định nguyên nhân, cơ chế hình thành và quá trình phát triển của quá trình sạt trượt; đánh giá các giải pháp phòng, chống sạt lở đã áp dụng và đề xuất nhiệm vụ ứng phó với sạt lở theo lộ trình.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo
 
 
 

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhận định mặc dù đã được cấp chính quyền quan tâm nghiên cứu, tuy nhiên do tính chất tự nhiên phức tạp, hơn nữa trong điều kiện địa phương đang phát triển nhanh về kinh tế xã hội, cho nên những tác động bất lợi của con người vào tự nhiên đã làm gia tăng nhanh hơn hiện tượng trượt lở đất đá. Do đó, các đại biểu đề nghị huyện cần xây dựng quy hoạch sử dụng đất, lập kế hoạch sử dụng phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương; xây dựng các công trình phòng, chống trượt lở đất theo hướng xử lý móng sâu và tăng cường thoát nước, hạn chế tối đa việc gia tải thêm; xây dựng công trình phòng, chống đổ lở đá theo hướng tạo bẫy hoặc lưới chắn cường độ cao; xây dựng các hệ thống quan trắc, cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm. Về lâu dài, nhiều đại biểu cũng đề nghị tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần cần tiếp tục nghiên cứu các vị trí mới để thực hiện chuyển khu vực trung tâm huyện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học cho tỉnh Hà Giang. Với mục tiêu đặt sự an toàn của người dân lên trên hết, tỉnh Hà Giang sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phương án phòng chống sạt lở khu vực trung tâm huyện Xín Mần. Trước mắt, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Xín Mần triển khai các giải pháp công trình để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước. Bên cạnh đó công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trong quá trình đó, tỉnh Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học, các đơn vị và các bộ, ngành TW. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành giữa chính quyền, chuyên gia địa chất và cộng đồng để tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện./.

Tuấn Quỳnh


Ý kiến bạn đọc