Ngày 18/6, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành.
![]() |
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Kỳ thi năm nay diễn ra từ ngày 25 - 28/6; cả nước có gần 1,2 triệu thí sinh đăng ký dự thi, có 2.493 điểm thi với hơn 50 nghìn phòng thi. Dự kiến huy động khoảng 200 nghìn nhân sự tham gia công tác tổ chức kỳ thi. Thí sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn trong số các môn đã học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. So với những năm trước, kỳ thi từ năm 2025 giảm 1 buổi thi, 2 môn thi. Qua đánh giá, kỳ thi được triển khai thực hiện an toàn, thông suốt, nghiêm túc, khách quan, chu đáo, gọn nhẹ, tin cậy, hiệu quả; đảm bảo 6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.
Đối với tỉnh Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập 1 Hội đồng thi với 34 điểm thi, 346 phòng thi chính thức với 7.524 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 7.154 thí sinh đăng ký thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018; 370 thí sinh đăng ký thi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Toàn tỉnh huy động gần 1.800 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi. Đến nay, BCĐ thi tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương; việc bố trí cơ sở vật chất, công tác in các tài liệu, ôn tập cho học sinh, phương án ứng phó khi có các tình huống xảy ra cơ bản hoàn thành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong thời điểm lịch sử khi cả nước sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Do vậy, yêu cầu các ngành, địa phương bảo đảm kỳ thi diễn ra bình thường, toàn diện, đồng bộ; các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là cấp cơ sở tham gia để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thông suốt, gọn nhẹ, công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm chất lượng cao nhất, phản ánh khách quan nhất chất lượng dạy và học, bảo đảm yêu cầu, quy định đề ra. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thi sinh thể hiện năng lực thực chất. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh cả nước cần thực hiện quan điểm lấy thí sinh làm trung tâm, thầy cô giáo làm động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng tạo mọi thuận lợi nhất cho người thi và giám thị coi thi, bảo đảm kỳ thi thành công, phản ánh trung thực, khách quan chất lượng dạy và học./.
Văn Hương - Phương Duyên
Ý kiến bạn đọc