Báo Tuyên Quang
  • Tuyên Quang
    oC

Công điện của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lớn

16:32, 28/06/2025

Ngày 28/6/2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 2339/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với mưa lớn. 

Toàn văn nội dung Công điện:

Thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 27/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn ở Bắc Bộ; Để chủ động ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (UBND các xã sau sáp nhập), các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (UBND các xã sau sáp nhập), và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương tại: Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 27 tháng 06 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với mưa lớn. Không được lơ là, chủ quan tiếp tục triển khai quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố (các xã sau sáp nhập):

 2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (các xã sau sáp nhập) chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, ngập lụt, sạt lở 2 đất, lũ quét theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đó tập trung:

 a) Tổ chức tốt công tác truyền thông, cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình và dự báo diễn biến thiên tai để Nhân dân chủ động ứng phó, không để tình trạng người dân không nắm được thông tin về thiên tai.

b) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu xảy ra thiên tai và biện pháp, kỹ năng ứng phó với từng tình huống thiên tai, nhất là đối với sạt lở đất, lũ quét.

c) Tổ chức rà soát các khu dân cư, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, khu vực ven sườn dốc để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở, lũ quét, ngập sâu để chủ động sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn.

d) Tổ chức trực ban, triển khai công tác phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết.

2.2. Khẩn trương tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã (sau sáp nhập), ngay sau khi có quyết định thành lập các đảng bộ, chính quyền xã. Công tác phòng, chống thiên tai không được để bị động, bất ngờ, không để xảy ra gián đoạn trong lãnh đạo, chỉ đạo khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

3. Sở Nông nghiệp và Môi trường: Tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ, thiên tai tới các cơ quan chức năng và người dân; chủ động phối hợp để dự báo sát tình hình mưa lũ không bị động, lúng túng; chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

 4. Sở Công Thương: Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, làm việc với các chủ Dự án Thủy điện trên dòng Sông Lô, Sông Miện và các chủ Dự án Thủy điện trên địa bàn tỉnh khi có mưa lớn chủ động xả lũ không để tình trạng ngập lụt xẩy ra.

5. Các Sở, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ đối với lĩnh vực của Sở, trong đó lưu ý chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất, an toàn hồ đập thủy điện, hạ tầng giao thông.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn khi có đề nghị của địa phương.

 7. Báo Hà Giang: Kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, tăng cường phổ biến, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng ứng phó ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét cho người dân.

 8. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Giang: Chủ động dự báo tình hình thời tiết, kịp thời, chính xác để các địa phương và nhân dân chủ động đối phó với tình hình mưa lớn trên địa bàn.

 9. Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo Chủ tịch, các Phó Chủ tịch phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh. Căn cứ nội dung công điện, yêu cầu các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (UBND các xã sau sáp nhập), nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.


Ý kiến bạn đọc