Báo Tuyên Quang
  • Tuyên Quang
    oC

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH

18:05, 24/05/2025

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 23/5 Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về một số nội dung. Đại biểu Phạm Thuý Chinh và đại biểu Vương Thị Hương đoàn Hà Giang đã có nhiều ý kiến thiết thực vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Đại biểu Phạm Thuý Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận ở tổ

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Thuý Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh 03 vấn đề gồm: Chuyển tiếp cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương; giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí; và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Về cơ chế đặc thù, Đại biểu đề nghị cần đánh giá tổng thể các cơ chế đã ban hành, loại bỏ những chính sách không còn hiệu quả hoặc không thể thực hiện. Về giáo dục tiết kiệm, chống lãng phí cần bắt đầu từ nhà trường: Theo đại biểu, việc hình thành thói quen tiết kiệm, ý thức chống lãng phí ngay từ nhỏ sẽ giúp hình thành nền tảng văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển xã hội bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục mà còn cần sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo. Về hiệu quả đào tạo nghề ở nông thôn: Đại biểu cho rằng thực tế khảo sát tại địa phương cho thấy sự thiếu chính xác trong nắm bắt dữ liệu lao động.

Đại biểu Phạm Thuý Chinh
 

Đại biểu Phạm Thúy Chinh nêu: Cùng một lao động có thể được đào tạo nhiều lần, trong khi không đem lại chuyển biến thực chất nào. Việc này vừa lãng phí nguồn lực, vừa làm sai lệch kết quả thực hiện chính sách. Đề nghị Chính phủ cần tổng rà soát lại chương trình đào tạo nghề nông thôn trên cả nước, xác định rõ hiệu quả đầu ra và hướng tới đào tạo đúng người, đúng nhu cầu. Bên cạnh đó, cần kiểm tra việc sử dụng kinh phí, tránh tình trạng nguồn lực chủ yếu không đến được người lao động mà qua trung gian đào tạo, tư vấn.

 

Tham gia vào kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024 đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang cho rằng nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế là do chính sách còn mang tính hình thức, chưa có sự chuyên môn hóa trong đội ngũ cán bộ, khó khăn trong thu thập chỉ tiêu và thiếu sự lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Cùng với đó là Luật Bình đẳng giới sau 18 năm thực thi đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập. Nhiều quy định trong luật còn chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực tế như chính sách hỗ trợ nữ cán bộ có con nhỏ đi đào tạo; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không khả thi do thiếu tiêu chí cụ thể; chưa có quy định cụ thể về bạo lực trên cơ sở giới...

Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận ở tổ

kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo nghiên cứu, rà soát toàn diện để sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, trình các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất nhằm hoàn thiện khung pháp lý, khắc phục bất cập thực tiễn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của phụ nữ, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn mới.

                                                                                                                            Trần Trang (Tổng hợp)                                                  

 


Ý kiến bạn đọc