Thứ Bảy, 17/05/2025 14:47

Ngày 17/5, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam

17/05/2025 - 08:08 | Thời sự - chính trị

Cũng trong ngày 17/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 17/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở Tổ về:

+ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

+ Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

+ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tạo điều kiện thuận lợi khi nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Quan điểm xây dựng Luật là bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật về quốc tịch nói riêng.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong quá trình xây dựng Luật; tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường quản lý nhà nước về quốc tịch. Đồng thời tiếp tục duy trì nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định giải quyết những vướng mắc, bất cập lớn, cơ bản, mang tính phổ quát, thực sự là "điểm nghẽn" cần phải tháo gỡ trong thực tiễn.

Dự thảo Luật tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam.

Cùng với đó sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm