Chuyến công tác tại châu Âu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp trên cả 3 phương diện quan trọng: Đưa hợp tác song phương với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ lên tầm cao mới với quan điểm coi trọng bạn bè truyền thống, tình nghĩa trước sau; tranh thủ tối đa cơ hội hợp tác tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos với những thông điệp về kỷ nguyên thông minh và chiến lược phát triển của đất nước; khẳng định sự quan tâm sâu sắc dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đón Thủ tướng Phạm Minh Chính với nghi thức trọng thể - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trưa 23/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Thủ đô Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến thăm chính thức thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến ngày 23/1 theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab.
Chuyến công tác cho thấy vai trò, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng của Việt Nam - một đối tác tin cậy, năng động, sáng tạo, trách nhiệm và đầy tiềm năng, một dân tộc với quyết tâm phát triển mạnh mẽ đang sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và kỷ nguyên thông minh của nhân loại.
Các hoạt động tại Davos của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã gửi tới cộng đồng quốc tế những thông điệp quan trọng về sự chân thành, hợp tác, đoàn kết quốc tế, vai trò của chủ nghĩa đa phương, về tính nhân văn và trách nhiệm của các quốc gia, doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi để thích ứng với kỷ nguyên thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hoà Czech Petr Fiala - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến thăm chính thức Ba Lan, Czech của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ trong 18 năm qua với Ba Lan và 6 năm qua với Czech.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Ba Lan, Czech sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu tháng 2/2025, Việt Nam - Thụy Sĩ hướng tới kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026; Ba Lan vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu từ 1/1/2025.
Với hơn 30 hoạt động, chuyến thăm đã đạt những kết quả nổi bật, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ sang giai đoạn phát triển mới – giai đoạn gắn kết chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Cả 3 nước đã dành cho Thủ tướng Chính phủ, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân tình của những người bạn thân thiết. Trong tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, chí tình chí nghĩa mà các nước bạn bè truyền thống dành cho Việt Nam và dù thế giới có thể thay đổi, dù địa lý có thể cách xa, nhưng giá trị cốt lõi, tình cảm chân thành giữa Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống Czech, Ba Lan không những không thay đổi mà mà ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện, hiệu quả hơn.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo ba nước bày tỏ ngưỡng mộ đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, ấn tượng mạnh mẽ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam. Czech và Ba Lan coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở châu Á. Các nhà lãnh đạo Czech khẳng định Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt đối với Czech, không có đất nước nào ở châu Á mà Czech có quan hệ sâu sắc và rộng mở như Việt Nam.
Chuyến thăm đã nâng tầm quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị với các nước. Việt Nam đã cùng Ba Lan ra tuyên bố chung hướng tới nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược; cùng Czech ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược và đã ra tuyên bố về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện với Thụy Sĩ. Đây là những bước đi đột phá, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với giữa Việt Nam và 3 nước. Trong đó, Czech trở thành nước Trung Đông Âu đầu tiên trong EU là Đối tác Chiến lược với Việt Nam và Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên là Đối tác Chiến lược của Czech.
Các nước đều nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, các kênh, đặc biệt là cấp cao và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến thăm tạo động lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch, lao động... phù hợp với khuôn khổ đối tác mới mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới các bên có tiềm năng và nhu cầu hợp như tác như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ thông tin và truyền thông, an ninh mạng, dược phẩm, công nghiệp ô tô, thiết bị bay không người lái UAV, kết nối hàng không và đường sắt...
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là việc các bên nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại lên mức cao hơn, trong đó Việt Nam, Ba Lan và Czech nhất trí mở cửa hơn nữa thị trường đối với các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm của nhau trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); nhất trí sớm thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Việt Nam và các đối tác liên quan, như Thụy Sĩ, Liechtenstein cũng nhất trí đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Việt Nam và 3 nước đã ký 8 thỏa thuận hợp tác về ngoại giao, lao động, hàng không, giáo dục, thể thao, văn hóa. Bên cạnh đó, nhằm tạo cú hích cho hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân, Việt Nam đã quyết định miễn thị thực cho công dân Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ. Quyết định này đã được lãnh đạo và dư luận các nước bạn đánh giá cao.
Thủ tướng trao đổi tại Phiên đối thoại đặc biệt với WEF chủ đề “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu” dành riêng cho Thủ tướng để chia sẻ câu chuyện về khát vọng, tầm nhìn, bài học và định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam cũng như những gợi mở thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên thông minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Là lần thứ 4 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự các hội nghị WEF, song việc tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos với chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh" lần này mang ý nghĩa đặc biệt, trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong hơn 30 tiếng tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một lịch trình dày đặc với nhiều hoạt động đa phương và song phương, thành công trên nhiều phương diện, đạt ở mức cao các mục tiêu đề ra, truyền tải nhiều thông điệp quan trọng đến với bạn bè quốc tế.
Khai thác lợi thế của hội nghị là tâm điểm hội tụ các tập đoàn đa quốc gia uy tín, ảnh hưởng toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo nhiều bộ, ngành và địa phương đã phát biểu và đối thoại với nhiều tập đoàn hàng đầu tại 5 cuộc tọa đàm trên nhiều lĩnh vực then chốt, gắn với quan tâm, định hướng phát triển của Việt Nam, từ công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo đến dược phẩm, hạ tầng thông minh, năng lượng xanh và trung tâm tài chính.
Thủ tướng và thành viên Đoàn cũng đã tranh thủ tối đa thời gian ngắn tại Davos để có hàng chục cuộc gặp với lãnh đạo các đối tác, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với các nước và tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực như thương mại, y tế, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo…
Thủ tướng trao đổi tại phiên Tọa đàm đa phương giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế được WEF bố trí riêng cho Việt Nam để thảo luận về tương lai của thương mại và phát triển hướng tới Hội nghị UNCTAD 16 do Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phân tích về các xu thế lớn, Thủ tướng đánh giá, thế giới ngày nay đang phân cực hóa về chính trị, đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xanh hóa về sản xuất kinh doanh và dịch vụ, số hóa mọi hoạt động của con người. Thế giới còn đối diện các vấn đề như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Đây là những vấn đề mà các nước phải đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu để giải quyết.
Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải nắm bắt kỷ nguyên này một cách tổng thể từ bốn khía cạnh khác nhau: từ khía cạnh địa chính trị, an ninh là hoà bình, hợp tác; từ khía cạnh kinh tế là phát triển nhanh và bền vững; từ khía cạnh môi trường là khai thác sử dụng bền vững; từ khía cạnh xã hội là tiến bộ, công bằng xã hội, không để lại ai phía sau. Kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, thúc đẩy những sáng kiến hợp tác vì con người trong kỷ nguyên mới.
Các phát biểu và trao đổi của Thủ tướng Chính phủ đã để lại ấn tượng sâu sắc về khát vọng, tầm nhìn và quyết tâm phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh, với "ba sẵn sàng" gồm sẵn sàng về thể chế, sẵn sàng về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng về hạ tầng. Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho kỷ nguyên mới với cách tiếp cận nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam, khẳng định sẵn sàng ủng hộ, mở rộng hợp tác, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, mong muốn đồng hành cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt và cam kết đồng hành cùng Việt Nam phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thủ tướng dự và phát biểu tại phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa" do Chủ tịch WEF Borge Brende điều hành - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tại Hội nghị WEF lần này, Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu tại 4 phiên thảo luận của Hội nghị, trong đó có 3 phiên được WEF thiết kế riêng cho Việt Nam.
Phiên đối thoại đặc biệt với WEF với chủ đề "Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu" dành riêng cho Thủ tướng để chia sẻ câu chuyện về khát vọng, tầm nhìn, bài học và định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam cũng như những gợi mở thúc đẩy hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên thông minh. Đây là một trong những hoạt động dành riêng cho rất ít nhà lãnh đạo được WEF đánh giá là tạo được cảm hứng, truyền cảm hứng và có tầm ảnh hưởng trong tổng số hơn 50 tổng thống/thủ tướng tham dự Hội nghị.
Phiên đối thoại chính sách đặc biệt này đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam là lựa chọn chiến lược hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, nhờ vào thành tựu phát triển kinh tế qua 40 năm đổi mới, ý chí và quyết tâm cùng với các chính sách phát triển đột phá nhằm nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên thông minh để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nguồn lực đưa kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Tại đây, Thủ tướng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm như cân bằng quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ, các thách thức với Việt Nam từ biến đối khí hậu và bảo đảm mục tiêu kép về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuẩn bị của Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh… Người đứng đầu Chính phủ khẳng định ông không ngại làm bất cứ việc gì nếu việc đó mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, lợi ích cho đồng bào.
Người dẫn chương trình này đã chia sẻ đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp với cam kết của Chính phủ Việt Nam vì sự phát triển và lợi ích quốc gia dân tộc và cho rằng với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu của phát triển trên thế giới.
Thủ tướng dự và phát biểu tại tọa đàm "Ứng dụng AI trong sản xuất thông minh và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong khi đó, Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia tập trung trao đổi về chính sách, ưu tiên đầu tư và hợp tác của Việt Nam để giải phóng tiềm năng tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo để vươn mình vào kỷ nguyên mới. Phiên Tọa đàm đa phương giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế được WEF bố trí riêng cho Việt Nam để thảo luận về tương lai của thương mại và phát triển hướng tới Hội nghị UNCTAD 16 do Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận "ASEAN: Gắn kết để vươn xa" với tư cách nhà lãnh đạo của nền kinh tế được đánh giá là tăng trưởng cao nhất trong ASEAN.
Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF đánh giá sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với WEF và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Nhận định Việt Nam là hình mẫu tăng trưởng kinh tế và kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, Giáo sư tin tưởng rằng Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong quá trình tái cấu trúc cục diện địa chính trị của khu vực và trên thế giới.
Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF đánh giá sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với WEF và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội cho Giáo sư Klaus Schwab - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đã trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế; đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới; nhất trí cần phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh lập trường cân bằng, khách quan, nhất quán của Việt Nam trong vấn đề xung đột Nga – Ukraine; là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và sẵn sàng cung cấp địa điểm và nỗ lực tổ chức tốt nhất các hoạt động tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới. Với vấn đề Myanmar, với vai trò, uy tín và quan hệ của mình, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc, sẵn sàng làm mọi việc để mang lại hoà bình, ổn định lâu dài cho Đông Nam Á và Myanmar.
Thủ tướng gắn Huân chương Lao động hạng Ba tặng Hội Người Việt Nam tại Ba Lan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong đó Czech có khoảng 100 nghìn người Việt, đông nhất tại châu Âu và tại Ba Lan có khoảng 25.000 người.
Đặc biệt, ngoài các hoạt động gặp kiều bào theo thông lệ tại các chuyến thăm, Thủ tướng và Phu nhân cùng các thành viên đoàn công tác đã tham dự các hoạt động "Xuân Quê hương" đón Tết sớm của bà con ta. Theo Thủ tướng, đây là những trải nghiệm đặc biệt, khó quên trong đời và về phần mình, Thủ tướng cũng mang tới cho bà con những món quà đặc biệt khi chuyên cơ mang theo bánh chưng, giò lụa và mang theo cả không khí Tết từ quê hương sang nơi đất khách.
Thủ tướng và Phu nhân tham quan các gian hàng tại chương trình "Xuân Quê hương Ất Tỵ 2025" tại Ba Lan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng dành thời gian thăm các trung tâm thương mại lớn của người Việt Nam tại Ba Lan, Czech như Trung tâm thương mại Sa Pa – một "Việt Nam thu nhỏ" ở châu Âu, tiếp các thành viên mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại châu Âu, các doanh nghiệp kiều bào và thăm gia đình Việt kiều tiêu biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh tình cảm và sự tự hào dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, Czech nói riêng và tại châu Âu cũng như trên thế giới nói chung đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, nhiều người thành danh, khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và truyền thống văn hóa – lịch sử của Việt Nam. Luôn đoàn kết, một lòng hướng về quê hương đất nước, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Thủ tướng và Phu nhân tham dự chương trình "Xuân Quê hương" cùng cộng đồng người Việt Nam tại Czech - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đã dành nhiều thời gian phản hồi về từng đề xuất, kiến nghị của bà con kiều bào. Đặc biệt, Thủ tướng vui mừng thông báo với cộng đồng người Việt Nam tại Czech và châu Âu việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định chọn Praha là nơi đăng cai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài lần đầu tiên. Trước đó một ngày, trong cuộc gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Czech, kiều bào đã nêu kiến nghị nội dung này và Thủ tướng cho biết sẽ trao đổi ngay với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Động viên trung tâm dạy và học tiếng Việt Nam tại Czech, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiếng Việt là cầu nối giữa các thế hệ trước và sau, giúp thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Lời nhắn nhủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính về cộng đồng người Việt Nam là một dân tộc thiểu số của Czech nhưng "không thiểu số về chất và lượng", luôn tự hào và xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng đã khiến bà con hết sức phấn chấn, xúc động, ấm lòng.
Thủ tướng và Phu nhân thăm lớp học tiếng Việt dành cho các cháu người Việt Nam tại Trung tâm thương mại Sa Pa, CH Czech - Ảnh VPG/Nhật Bắc
Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục phát huy truyền thống cần cù, đùm bọc, hỗ trợ nhau cùng phát triển, trở thành cầu nối về văn hóa, kinh tế giữa Việt Nam và sở tại; yêu cầu Đại sứ quán phải bám sát, nắm chắc tình hình đúng, trúng, kịp thời để tham mưu với Đảng, Nhà nước, tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là phải tìm mọi cách tiếp cận nhanh nhất với bà con khi gặp khó khăn, hoạn nạn, khủng hoảng, xem bà con như người thân trong gia đình, đặt mình vào hoàn cảnh của bà con để giải quyết các công việc với tất cả tấm lòng của mình, tuyệt đối không tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thủ tướng và lãnh đạo 10 doanh nghiệp tiêu biểu của người Việt tại Cộng hòa Czech và châu Âu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo cấp cao ba nước tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng người Viêt hội nhập tốt hơn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và tiếng Việt. Thủ tướng đề nghị Ba Lan xem xét công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số, tương tự như tại Czech.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Ba Lan, Czech, Thụy Sĩ đều đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại, khẳng định sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt ở nước sở tại.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp, tiếp tục triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các đối tác truyền thống tại khu vực Tây Âu và Trung Đông Âu, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới với các đối tác doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực mới nổi mang tính chiến lược.
Theo Chinhphu.vn
26/01/2025-12:31
Sáng 26/1, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà tết cho các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và trao nhà nhân ái tại huyện Na Hang.
26/01/2025-12:29
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều phần quà đã được chuyển đến công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đây là tình cảm, sự hỗ trợ, động viên của tổ chức Công đoàn thành phố Tuyên Quang dành tặng đoàn viên, người lao động với mong muốn họ cùng gia đình đón Tết ấm áp, đủ đầy hơn.
26/01/2025-12:29
Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh nhiệt độ xuống thấp. Để bảo vệ đàn gia súc trong những ngày giá rét, các ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tăng cường các biện pháp phòng chống đói rét, giữ ấm cho đàn vật nuôi./.
26/01/2025-12:28
Mỗi độ Tết đến, xuân về, những phiên chợ quê lại trở nên tấp nập, rộn ràng. Không chỉ là nơi giao thương, chợ phiên ngày Tết còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, nơi con người tìm về cội nguồn, gắn kết tình thân. Hãy cùng chúng tôi đi chợ phiên Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để cảm nhận hương vị Tết đã đến rất gần.
26/01/2025-09:34
Thành công của Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ và Hội nghị Ban Chấp hành APF một lần nữa khẳng định sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam.
26/01/2025-09:31
Những chiếc smartphone cài sẵn TikTok đang được rao bán trên eBay với mức giá lên tới hàng nghìn USD, trong bối cảnh ứng dụng này đã bị gỡ khỏi App Store và Play Store.
26/01/2025-09:27
Sáng 25/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp về tình hình thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
26/01/2025-09:25
OpenAI đã giới thiệu chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) mới mang tên Operator, có khả năng mô phỏng cách làm việc của con người khi tương tác trên trang web.
26/01/2025-09:23
Ngày 24-1, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ công an) cho biết, trong thời đại số, việc sử dụng Internet trở nên phổ biến, với lượng thông tin và website khổng lồ, đa dạng là phương tiện đắc lực cho người dùng trong cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường mạng luôn luôn tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro, nguy cơ.
26/01/2025-09:17
Các chương trình “Gặp nhau cuối năm”, “Tự hào thể thao Việt Nam”, “Vạn xuân”, “Tết nghĩa là hy vọng”… trong đêm Giao thừa đón Xuân Ất Tỵ 2025 trên các kênh sóng VTV, sẽ đưa khán giả gặp gỡ nhiều gương mặt nổi tiếng, trong đó có tuyển thủ Nguyễn Xuân Son, NSND Tự Long, NSND Thu Huyền, NSND Quốc Khánh, NSND Thanh Lam, ca sĩ Hồng Nhung, Hà Trần…
26/01/2025-09:17
Với mục đích thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trẻ, Ban tổ chức SEA Games 33 tại Thái Lan đã đề xuất áp dụng quy định chỉ sử dụng cầu thủ U22 cho môn bóng đá nam. Quy định này đã được thông qua sau cuộc họp của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) và Tổng cục Thể thao Thái Lan (SAT) vừa qua.
26/01/2025-09:12
"Nền kinh tế Việt Nam đang có cơ hội lớn để chuyển mình bắt kịp với thời đại. Dù khởi đầu có thể còn khó khăn nhưng chúng ta sẽ tạo được đòn bẩy giúp nền kinh tế tiến vào giai đoạn tăng trưởng hai con số", đây là nhận định của ông Nguyễn Hồng Huệ (ông Peter Hồng), Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.