Chủ Nhật, 08/12/2024 12:52

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật tháo gỡ khó khăn, 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực đất nước

29/11/2024 - 08:28 | Pháp luật

Ngày 28/11, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm "Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật" với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh và Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh. Tham dự có đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các bộ, ngành .

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật tháo gỡ khó khăn, 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực đất nước- Ảnh 1.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi).

Đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp có ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng pháp luật. Trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác xây dựng pháp luật càng có ý nghĩa then chốt, nhằm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi), Bộ Tư pháp xác định, việc xây dựng dự án Luật này phải thực hiện nghiêm túc Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó lưu ý một số chỉ đạo mang tính chiến lược.

Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Việc xây dựng chương trình xây dựng pháp luật hằng năm cần bám sát 02 yêu cầu: phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam và thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng; tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới.

Trong xây dựng, thẩm định VBQPPL tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tiễn, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động.

Phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hóa chính sách. Chính sách phải cụ thể, rõ ràng. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất. Quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quy trình xây dựng VBQPPL.

Do vậy, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với nội dung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, trong đó, bảo đảm phân biệt rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo VBQPPL; thể hiện rõ quan điểm, ưu nhược điểm của của phương án, giải pháp đề xuất trong bối cảnh yêu cầu đổi mới hiện nay cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác. Đề xuất phương án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

“Công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân. Tôi tin tưởng, với kinh nghiệm, trí tuệ và sự quyết tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí Lãnh đạo đại diện các bộ, ngành, buổi Tọa đàm hôm nay sẽ đem lại nhiều ý kiến quý báu để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật tháo gỡ khó khăn, 'điểm nghẽn', khơi thông nguồn lực đất nước- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh. Tọa đàm được tổ chức với mục đích trao đổi, cho ý kiến đối với đề xuất nội dung đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, trong đó phân biệt rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo VBQPPL; đề xuất giải pháp cụ thể nâng cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật.

Công tác này cũng liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp theo tinh thần chỉ đạo tinh gọn bộ máy của đồng chí Tổng Bí thư trong thời gian gần đây. Theo đó, nghiên cứu đề xuất có xây dựng cơ quan soạn thảo chuyên nghiệp hay không trên tinh thần chung là đổi mới, thẳng thắn, khoa học vì công việc chung của đất nước.

Tiếp đó, Tọa đàm đã được nghe TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) khái quát chung về quy trình xây dựng luật ở các quốc gia trên thế giới, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức (Bộ Tư pháp) báo cáo đề xuất đổi mới quy trình xây dựng luật.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm