Báo Tuyên Quang
  • Tuyên Quang
    oC

Tăng cường quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Già Dui

15:25, 23/06/2025

Từ năm 2017, sản phẩm gạo tẻ Già Dui của huyện Xín Mần đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình khẳng định thương hiệu nông sản đặc hữu của vùng cao Hà Giang. Đây không chỉ là sự ghi nhận về chất lượng, giá trị truyền thống mà còn là "tấm hộ chiếu" để sản phẩm từng bước tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, để thương hiệu Già Dui thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh và mang lại giá trị kinh tế bền vững, đòi hỏi phải có một chiến lược quản lý và phát triển bài bản.

Gạo Già Dui hạt ngọc của núi rừng Xín Mần sẽ không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là biểu tượng của nông nghiệp đặc sản Hà Giang nếu được bảo vệ và phát triển đúng hướng

Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để đồng bộ các khâu từ giống, canh tác, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ; làm sao để người nông dân trở thành chủ thể thực sự trong hành trình gìn giữ và phát triển thương hiệu. Cùng với đó là vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ và doanh nghiệp những mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

 
Sản phẩm gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình khẳng định thương hiệu nông sản đặc hữu của vùng cao Hà Giang

Trước thực trạng đó, Sở KH&CN đã phối hợp với UBND huyện Xín Mần, Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai Dự án khoa học là: “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Xín Mần cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui”. Thông qua đó không chỉ để bảo vệ danh tiếng một loại nông sản, mà còn hướng đến những mục tiêu dài hạn như: Chuẩn hóa quy trình sản xuất, tăng cường quảng bá, phát triển chuỗi giá trị và tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Gạo Già Dui hạt ngọc của núi rừng Xín Mần sẽ không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là biểu tượng của nông nghiệp đặc sản Hà Giang nếu được bảo vệ và phát triển đúng hướng

Trong quá trình triển khai, nhóm triển khai dự án đã tiến hành khảo sát thực trạng sản xuất, đánh giá thị trường tiêu thụ, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản và mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý một cách chặt chẽ. Dự án cũng đã tiến hành khảo sát người tiêu dùng để xác định nhu cầu và xu hướng thị trường, từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Một trong những kết quả quan trọng nhất của dự án là sẽ thiết lập hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý chuyên nghiệp và có sự tham gia của cộng đồng. Thành lập Hội Gạo Già Dui huyện Xín Mần có vai trò tổ chức đầu mối trong kiểm soát chất lượng, quản lý tem nhãn, truy xuất nguồn gốc và điều phối hoạt động sản xuất theo quy trình chuẩn.

Hàng nghìn nông hộ sẽ được nâng cao năng lực thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, bảo quản và kỹ năng tiếp cận thị trường. Bao bì, tem chống giả, mã QR sẽ được thiết kế đồng bộ nhằm tăng tính nhận diện, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà sản xuất. Gạo Già Dui hạt ngọc của núi rừng Xín Mần sẽ không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là biểu tượng của nông nghiệp đặc sản Hà Giang nếu được bảo vệ và phát triển đúng hướng. Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý chính là chìa khóa để biến giá trị bản địa thành lợi thế bền vững trong bối cảnh hội nhập./.

Tuấn Quỳnh


Ý kiến bạn đọc