Khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vào đầu Hè, mùa cao điểm của nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi thì công tác phòng chống dịch bệnh luôn được các ngành chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thói quen chăn nuôi lạc hậu cùng điều kiện chuồng trại, nước sinh hoạt còn thiếu thốn đã khiến nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn ở mức cao.
![]() |
Do chăn thả vật nuôi theo hình thức tự nhiên, gia đình anh Ly Thanh Hùng, thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ bị chết 4 con lợn vì bệnh tụ huyết trùng |
Việc chăn thả vật nuôi theo hình thức tự nhiên, không kiểm soát, cùng với sự lơ là trong công tác vệ sinh chuồng trại và tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong tiêm phòng vắc xin đã và đang gây ra những thiệt hại. Như gia đình anh Ly Thanh Hùng, thôn Lò Suối Tủng, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, vừa rồi bị chết mất 4 con lợn vì bệnh tụ huyết trùng.
![]() |
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có gần 900.000 con gia súc, gia cầm. Chăn nuôi chiếm hơn 33% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Phát triển chăn nuôi hàng hóa đang là hướng đi chiến lược nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Thế nhưng, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn rất lớn. Thiếu đất, thiếu nước, kỹ thuật hạn chế, cộng thêm nhận thức chưa đầy đủ khiến nhiều hộ dân không chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
![]() |
Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tiêu độc khử trùng chuồng trại |
![]() |
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản khẩn yêu cầu các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, tập trung vào các bệnh nguy hiểm như: Viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, nhiệt thán. Việc tiêm phòng phải hoàn thành trong tháng 5/2025, đảm bảo đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, điều cần thiết hơn cả là thay đổi tư duy, thói quen chăn nuôi còn lạc hậu để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi và ổn định sinh kế lâu dài./.
Tiến Thành – Hương Giang
Ý kiến bạn đọc