Báo Tuyên Quang
  • Tuyên Quang
    oC

Mô hình trồng chanh tứ mùa mang lại thu nhập ổn định

09:40, 10/05/2025

Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai trên địa bàn. Trên diện tích đất đồi đã hoang hóa, một số hộ dân tại xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang đã mạnh dạn đầu tư và áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi trồng giống cây chanh tứ mùa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phước (người đội mũ cối) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp phát triển cây chanh tứ mùa với cán bộ xã Kim Ngọc

Trước đây, trên diện tích 1ha đất của gia đình ông Trần Văn Phước, thôn Minh Tường xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang chủ yếu trồng cam và một số loại cây con khác. Xong sau nhiều năm giống cây cam đã dần thoái hóa không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lại thấp, nhất là những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Với quyết tâm không cho đất nghỉ, sau nhiều lần tìm hiểu cũng như được đi tham quan và học hỏi một số mô hình trồng cây có hiệu quả ở nhiều nơi, trong đó có cây chanh tứ mùa. Qua một thời gian học hỏi và tìm hiểu các mô hình đạt hiệu quả kinh tế, nhận thấy cây chanh tứ mùa phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương, dễ trồng, giá cả lại ổn định, năm 2014, gia đình ông quyết định chuyển hẳn từ trồng cam sang trồng chanh tứ mùa cho đến nay.

Vườn cây chanh với 1.000 gốc cho quả quanh năm tạo thu nhập ổn định cho gia đình ông Trần Văn Phước
 

Hiện tại, vườn chanh tứ mùa của ông Phước có 1.000 gốc, do chanh dễ trồng, phát triển nhanh, chỉ cần trồng khoảng 06 tháng là cây bắt đầu ra quả, có thể thu hoạch. Nhưng để cây mang lại giá trị kinh tế lâu dài thì khoảng 01 năm mới cho cây kết trái. Hàng năm tổng sản lượng chanh thu hoạch trên diện tích 1ha đạt từ 70-80 tấn quả chanh. Giá trung bình thương lái thu mua trực tiếp tại vườn thường từ 10-30 nghìn/kg, nếu trái vụ cũng được giá 20 nghìn/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình có thu nhập ổn định từ vài trăm triệu/năm. Từ đó hộ gia đình vươn lên thành gia đình khá giả trong thôn và được chính quyền địa phương biểu dương hàng năm. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng chanh tứ mùa đem lại nên ông Phước cũng thường xuyên vận động bà con trong thôn cùng trồng. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và hướng dẫn bà con cách trồng như tỉa cành, bón phân để cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Thực tế cho thấy cây chanh tứ mùa trồng trong nhiều năm thì vốn ban đầu sẽ giảm, lợi nhuận năm sau sẽ cao hơn năm trước. Không gian thoáng mát rộng rãi khu trồng chanh cũng được gia đình tận dụng chăn nuôi hàng trăm con gà thả vườn cải thiện thêm thu nhập. Ông Trần Văn Phước cho biết thêm.

Hàng năm tổng sản lượng chanh thu hoạch trên diện tích 1ha đạt từ 70-80 tấn quả chanh
 

Không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, có nhiều ưu điểm dễ trồng, dễ thích nghi với các điều kiện môi trường thời tiết khác nhau, năng suất cao, chanh tứ mùa cho quả quanh năm và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng địa phương, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông hộ hiệu quả. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với quy hoạch tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập; đồng thời, nhân rộng mô hình trồng chanh tứ mùa tạo phong trào phát triển kinh tế ngày một hiệu quả hơn. 

Minh Đức – Chí Cường (Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc