Ngày 28/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp nguy cấp dựa vào cộng đồng tại Quản Bạ. Tham dự có lãnh đạo một số Ban quản lý rừng đặc dụng, đại diện các xã vùng dự án…
![]() |
Quang cảnh buổi hội thảo |
Chương trình bảo tồn thực vật bắt đầu từ năm 2016, với mục tiêu bảo tồn toàn bộ các loài thực vật quý hiếm nguy cấp như: Giổi Na, Giổi Chanh, Bách xanh, Bách vàng, Nghiến...và hỗ trợ các loại giống cây trồng như: Lát hoa, Sa mộc, Nhội, Quế… tại Khu rừng đặc dụng Khau Ca, Cao Tả Tủng và Khu rừng đặc dụng Bát Đại Sơn. Thành lập các nhóm tuần tra bảo vệ thực vật được trang bị các công cụ hỗ trợ. Đồng thời xây dựng vườn ươm tại xã Tùng Vài, Bát Đại Sơn huyện Quản Bạ và xã Tùng Bá huyện Vị Xuyên để nhân giống các loài thực vật trong chương trình bảo tồn của dự án. Đến nay, đã có 190 cây bố mẹ được đánh số và ghi nhận tọa độ trên hệ thống phần mềm phục vụ công tác theo dõi và bảo vệ; số cây tái sinh và số cây trồng mới đều được khoanh vùng theo dõi và được cập nhật thường xuyên để giám sát. Tại các vườn ươm đã nhân giống được trên 500 nghìn cây thuộc các loài thực vật trong chương trình bảo tồn của dự án.
![]() |
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp, định hướng bảo tồn các loài thực vật nguy cấp nguy cấp dựa vào cộng đồng với nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức truyền thông tại các thôn, bản, hỗ trợ các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng với công tác bảo tồn. Thường xuyên tuần rừng theo hình thức tổ tuần rừng hoặc phối hợp với chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn tuần tra; hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân địa phương bảo vệ rừng không gây ảnh hưởng đến quá trình tái sinh cây nguy cấp; đẩy mạnh khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh; thu hút người dân tham gia các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy Hà Giang là điểm mẫu về bảo tồn thực vật quý hiếm nguy cấp, song song với trồng cây bản địa./.
Phương Duyên- Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc