Thứ Tư, 15/01/2025 11:16

Vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng 0%

07/09/2024 - 09:14 | Kinh tế

Trong 8 tháng qua có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước.

Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng qua của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch (741.609 tỷ đồng), đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (677.944,6 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong 8 tháng qua có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%.

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm vẫn là những khó khăn, vướng mắc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA; vướng mắc do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân...

Bộ Tài chính cũng vừa có công văn số 9385/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 6 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng quản lý. Bộ Tài chính cho biết, cả 6 địa phương đều chưa có sự chuyển biến rõ rệt trong giải ngân. Theo đó,ước 8 tháng tỷ lệ giải ngân của các địa phương này ước lần lượt đạt: Bình Thuận (30,24%); Gia Lai (40,35%); Kon Tum (32,73%); Lâm Đồng (35%); Đồng Nai (33,26%) và Bình Phước (29,74%).

Khó khăn khiến cho 6 địa phương giải ngân chậm vẫn chủ yếu ở các cơ chế, chính sách liên quan tới các bộ chuyên ngành. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (các vướng mắc liên quan đến việc giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án); Bộ Xây dựng (các vướng mắc liên quan tới công tác quy hoạch, nghiệm thu công trình); Bộ Tài nguyên và Môi trường (các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia); Ủy ban Dân tộc (vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia); Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (vướng mắc liên quan đến việc mua sắm thiết bị).

Ngoài ra, khâu tổ chức, thực hiện ở các địa phương còn chưa quyết liệt. Theo đó, điểm nghẽn lớn của cả 6 địa phương nằm ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nguồn cung nguyên, vật liệu thi công...

Đặc biệt, trên cơ sở tình hình giải ngân của các địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy việc bố trí kế hoạch vốn của các địa phương cho dự án chưa đảm bảo theo đúng khả năng hấp thụ vốn của dự án. Nhiều dự án có khối lượng vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp, thậm chí có dự án còn chưa thực hiện giải ngân.

Thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao

Và các giải pháp

Trước tiến độ giải ngân của 6 địa phương còn thấp, Tổ công tác số 5 cho biết, các khó khăn, vướng mắc của các địa phương xoay quanh các vấn đề liên quan đến các luật như: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng. Luật Đất đai; Luật Đấu thầu…

Hiện Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật (trong đó có Luật Ngân sách nhà nước); Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cơ bản cho các địa phương trong triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Do đó, sau khi các luật được thông qua và có hiệu lực, đề nghị các địa phương nghiên cứu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương đề xuất phương án xử lý, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo đúng quy định và việc đầu tư các dự án được hiệu quả, đúng tiến độ.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Đồng thời, đề nghị Bộ KHĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh. Trong số đó, đề nghị báo cáo rõ để thống nhất phương án xử lý đối với số vốn phân bổ chi tiết cho các dự án sau ngày 15/5/2024 không thuộc danh mục điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết số 65/NQ-CP ngày 07/5/2024 của Chính phủ đã được Bộ KHĐT tổng hợp.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm