Thứ Tư, 01/01/2025 16:02

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025

29/12/2024 - 09:05 | Kinh tế

Năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua để về đích với nhiều con số ấn tượng.

Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam 2024

Mặc dù năm 2024 có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét khi những ngày cuối năm, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã công bố nhiều thành tích cao, những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Xuất khẩu là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế, khi liên tục có nhiều kỷ lục mới được xác lập.

Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần ba lần kế hoạch được giao - mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Đầu tiên là ngành nông nghiệp. Năm nay mặc dù ngành nông nghiệp phải trải qua những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra nhưng bà con nông dân, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua những khó khăn và thách thức. Không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu nông lâm thủy sản còn lập kỷ lục lịch sử.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm ngoái. Đứng đầu là mặt rau củ quả, khi dự kiến mang về 7,2 tỷ USD. Trong đó, đóng góp phần lớn phải kể đến sản phẩm sầu riêng, khi loại trái cây “tỷ đô” này đã đạt 3,5 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.

Đứng thứ ba là mặt hàng cà phê. Năm nay ước tính kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm. Và đây cũng là mặt hàng nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Cùng với cà phê, ngành hạt điều Việt Nam cũng ghi nhận cột mốc lịch sử với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD, tăng trưởng 19 % so với năm ngoái, duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu điều nhân số một thế giới trong gần hai thập kỷ.

Ngoài điểm sáng của ngành nông nghiệp, xuất khẩu dệt may cũng là điểm nhấn đáng chú ý khi hết năm nay dự kiến cán mốc 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Với kết quả này, dệt may Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, trở lại vị trí thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ về thặng dư xuất khẩu.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 - Ảnh 1.

Dệt may Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, trở lại vị trí thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ về thặng dư xuất khẩu

Giải pháp xuất khẩu bền vững

Giảm chi phí logistics, tăng cường sản xuất xanh bền vững, có trách nhiệm với môi trường, xã hội… Đây là những giải pháp mà các Bộ ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp đang hướng tới để đạt được xuất khẩu tăng trưởng một cách bền vững trong thời gian tới.

Ông Miguel A.Ferrer - Giám đốc điều hành Shire OAK International cho biết: “Cần giảm chi phí logistics xuất khẩu giữa Việt Nam Hoa Kỳ. Cần xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ gồm các nhà cung cấp logistics nhỏ, có khả năng giao hàng và cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng của các chuỗi sản xuất”.

Ông Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Xuất khẩu sẽ vẫn có xu hướng tăng mạnh. Hiện nay, có 16 Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Thế hệ mới lớn. Đây là những thị trường để chúng ta khai thác tốt, có hiệu quả và đóng góp cho tăng trưởng và cho tăng trưởng thương mại. Việt Nam cũng có thuận lợi trong việc chuyển dòng vốn đầu tư của nước láng giềng sang nước ta”.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương nêu ý kiến: “Chúng tôi sẽ thiết kế các chương trình kiểm toán khí thải carbon và hỗ trợ doanh nghiệp có công cụ để đo lường chính bản thân mình, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Xây dựng các quy chuẩn xanh, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xanh và chuẩn bị về hạ tầng, nguồn năng lượng sạch được xem là những công việc cần sớm được thực hiện, để Việt Nam tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công không chỉ trong xuất khẩu mà còn là một điểm đến hứa hẹn cho đầu tư nước ngoài trong dài hạn. Khi năm 2024, thu hút FDI cũng là một điểm sáng không thể không nhắc đến.

11 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn, góp phần đưa việc thu hút FDI trở thành một trong những điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay.

Quy mô thương mại điện tử Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD

Năm nay cũng ghi nhận một bước tiến trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo Bộ Công thương, năm nay quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company. Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người đang trực tiếp kinh doanh qua các kênh bán hàng online. Đồng thời cũng đóng góp không nhỏ vào nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Mỗi ngày, cơ sở kinh doanh trên thương mại điện tử tiếp nhận tới gần 300 đơn hàng, tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Để kịp thời đóng hàng cho khách chủ cơ sở đã phải thuê thêm hai nhân công để kiểm tra đơn hàng cũng như gói hàng cho khách kịp thời.

Anh Ma Công Nghề - Hộ kinh doanh online tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội cho biết: “Dự kiến năm 2024 ước chừng doanh thu cũng trên dưới 10 tỷ. Ước chừng từ giờ đến cuối năm và sang năm sau phát triển hơn, phải tăng thêm nhân công đóng hàng”.

Còn cơ sở kinh doanh của chị Thuận cũng có số lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Chị cũng phải thuê thêm công nhân để đóng hàng. Nhìn vào biểu đồ doanh thu, càng gần cuối năm đường doanh thu lại càng tăng dựng đứng.

Chị Đỗ Thị Thuận - Hộ kinh doanh online tại quận Hà Đông, Tp Hà Nội chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi được khoảng 100-200 đơn, so với năm ngoái thì tăng gấp đôi. Năm ngoái chỉ được 30-50 đơn, năm nay tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Doanh thu sẽ rơi vào khoảng 3 tỷ đồng”.

Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 - Ảnh 2.

Quy mô thương mại điện tử Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

Năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn vượt qua để về đích với nhiều con số ấn tượng. Trước những kết quả này, nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế đã có những nhận định tích cực về tình hình phát triển kinh tế và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Frederic Neumann - Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng HSBC nhận định: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất trong khu vực châu Á và ở vị trí trung tâm của hoạt động tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta có thể thấy rất nhiều chuỗi cung ứng đang di chuyển. Theo đánh giá của tôi, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trong xu hướng điều chỉnh và dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đây cũng là một động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam”.

Tiến sĩ Andreas Stoffers - Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Quản lý (FOM), Cộng hòa liên bang Đức nêu ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, các con số đã tự phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện thể chế, loại bỏ những rào cản, tháo gỡ vướng mắc, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực. Bởi Việt Nam cho thấy sự cam kết mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường, tự do thương mại và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam đang đà phát triển. Và tôi rất lạc quan rằng, hầu hết các mục tiêu đề ra trong năm nay đều có khả năng đạt được”.

Năm 2024 đang dần khép lại với nhiều dấu ấn đậm nét. Nền kinh tế phục hồi và mở ra tiềm năng phát triển các lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn với sự đầu tư rót vốn từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google hay Nvidia, cùng với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm