Thứ Sáu, 07/02/2025 16:21

Tiếp đà tăng trưởng cho mỗi địa phương, lĩnh vực

07/02/2025 - 09:47 | Kinh tế

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên để kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng ở mức 2 con số.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Lần đầu tiên Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng của 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương trong 1 năm. Điều này thể hiện quyết tâm cao nhất của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn so với mức đạt được năm 2024. Đây vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi ngành, địa phương phấn đấu.

Tiếp đà tăng trưởng cho mỗi địa phương, lĩnh vực - Ảnh 1.

Mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay: "Cách tiếp cận rất quan trọng của Nghị quyết 25 đấy là giao trách nhiệm cho từng bộ ngành, địa phương. Đây là một cách tiếp cận khác so với nhiều nghị quyết trước. Mỗi địa phương phải gắn trách nhiệm cụ thể của mình cho những mục tiêu chung, nó tạo động lực cho các địa phương, các bộ ngành phải hành động. Bởi kinh nghiệm của nhiều năm qua cho thấy, cùng 1 chủ trương chính sách, có thể có một số địa phương khai thác được tốt và kết quả cao hơn hẳn so với địa phương khác".

"Một là căn cứ vào năng lực của từng tỉnh để đặt mục tiêu phù hợp. Thứ hai, mỗi tỉnh đều phải cố gắng vượt qua chính mình, giống thông điệp của Tổng bí thư và Thủ tướng hay nói: Địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Mỗi địa phương phải biết tìm ra những tọa độ ưu tiên của mình để phát huy được năng lực tốt nhất, thế mạnh tốt nhất", ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.

Mức tăng trưởng thấp nhất được giao cho các địa phương là 8%. 26 tỉnh thành được giao chỉ tiêu này, kể cả những tỉnh thành, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 chỉ tăng 3-5% như Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng,… thì năm nay cũng phải đạt con số tối thiểu.

Huy động nguồn lực xã hội - "chìa khoá" giúp TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 2 con số

Chỉ tiêu giao cho đầu tàu kinh tế của cả nước - TP Hồ Chí Minh là 8,5%, cao hơn mức 7,17% của năm 2024. Để đạt được con số này, thành phố sẽ phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn hiện hữu để khơi thông nguồn lực.

Doanh nghiệp công nghệ logistics đang mong đợi trung tâm logistics dự kiến được ngành công thương TP Hồ Chí Minh khởi công trước ngày 30/4 tới. Đây là 1 trong 8 dự án trung tâm logistics sẽ được chính quyền thành phố xây dựng đến năm 2030. Với lợi thế về nền tảng công nghệ kết nối logistics, doanh nghiệp kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư.

Ông Lê Hoàng Anh - Tổng giám đốc Công ty EcoTruck cho hay: "Với một doanh nghiệp thì điều kiện của mình là chi phí có hiệu quả hay không, những cơ chế chính sách gì để các doanh nghiệp như chúng tôi có thể mạnh dạn đầu tư, xây dựng, phát triển cũng như là vận hành trung tâm logistics đó một cách hiệu quả nhất".

Tiếp đà tăng trưởng cho mỗi địa phương, lĩnh vực - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh đang tập trung nghiên cứu đề xuất các cơ chế cụ thể để sớm hiện thực hóa kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Bên cạnh các trung tâm logistics, một hình thức mới để "đầu tàu" kinh tế huy động nguồn đầu tư xã hội là hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Sau khi Chính phủ ban hành kế hoạch hành động để hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, hiện bộ máy chính quyền đang tập trung nghiên cứu đề xuất các cơ chế cụ thể để sớm hiện thực hóa kế hoạch.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem cơ chế đầu tư mang tính công – tư trong việc phát triển hạ tầng số chẳng hạn. Hoặc cơ chế thu hút nguồn lực xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tức là đa dạng hóa các hình thức đầu tư, chứ không chỉ là đầu tư từ phía Nhà nước".

Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ cần huy động nguồn vốn đầu tư cả công và tư lên đến 620.000 tỷ đồng, nếu muốn tăng trưởng GRDP năm nay đạt mức 2 con số. Trong đó vai trò đóng góp của nguồn đầu tư tư nhân là rất quan trọng, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục vận dụng tốt hơn các cơ chế đặc thù để cải cách thể chế, làm thông suốt hơn dòng vốn bơm vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: "Về mặt thể chế, thành phố sẽ hết sức tập trung. Tập trung thực hiện tốt nhất cải cách hành chính trên địa bàn, để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp".

Bộ máy chính quyền song song đó cũng tập trung tháo gỡ các vướng mắc lâu năm của các dự án hiện hữu để khơi thông nguồn vốn. Đến nay đã có hơn một nửa trong số 64 dự án bất động sản tại thành phố đã được tháo gỡ vướng mắc, góp phần giúp nguồn thu từ đất đai đạt hơn 25.300 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 46% so với năm trước đó.

Lấy đầu tư để dẫn dắt tăng trưởng là câu chuyện không chỉ của riêng TP Hồ Chí Minh, khi lĩnh vực này tiếp tục là một trong những động lực quan trọng và được quan tâm thúc đẩy.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo, tiết kiệm chi thường xuyên, giảm các khoản chi không cần thiết, phấn đấu tỉ trọng chi thường xuyên giảm xuống dưới 60% ngân sách nhà nước, từ mức 65% của năm 2024, để dành vốn cho đầu tư.

Giải pháp thúc đẩy đầu tư năm 2025

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra ngày 05/1, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, có nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy đầu tư cả ở khu vực trong và ngoài nước, cả khu vực công và tư.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Đầu tư công phải gia tăng thêm, triển khai sớm 1 số dự án quan trọng, điển hình ở đây là dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối quốc tế ở khu vực phía Bắc. Nhóm thứ hai là đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, phải có những dự án lớn thực sự lan tỏa trong năm 2025. Nhóm thứ 3 là đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn nữa để thu hút dòng vốn này. Chúng ta triển khai ngay một số chính sách vừa rồi Quốc hội đã cho phép, đặc biệt triển khai chính sách về luồng xanh thu hút các dự án đầu tư lớn về công nghệ cao trong các khu công nghiệp".

Tiếp đà tăng trưởng cho mỗi địa phương, lĩnh vực - Ảnh 3.

Bảng thống kế các chỉ tiêu đạt được trong năm 2024 và các chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2025.

Bảng thống kê chúng ta có thể thấy, hầu hết các chỉ tiêu mà Chính phủ giao đều đòi hỏi yêu cầu cao hơn so với kết quả thực hiện năm 2024. Ví dụ như chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, năm 2024 chúng ta đạt 8,4%, trong khi mục tiêu năm 2025 lên 9,5%.

Năm 2024 chúng ta thu hút 17,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì mục tiêu năm nay là 22 - 23 triệu. Duy chỉ có tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là chúng ta đã đạt được vào năm 2024. Tuy nhiên, với bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết, việc mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nâng cao chất lượng hàng hóa là yêu cầu tất yếu.

Lấy ví dụ như ngành nông nghiệp, hiện nay thị trường Halal trên thế giới phục vụ khoảng 2 tỷ người, với tổng giá trị khoảng 2.500 tỷ USD. Việt Nam mới có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này. Vì vậy, trong năm nay, Halal sẽ là đích đến tiềm năng nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Lĩnh vực xuất khẩu mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng

Doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm từ gà đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để lấy được chứng nhận Halal. Chiếc giấy thông hành quan trọng, mở ra một thị trường mới. Họ sẽ phải tuyển thêm nhân lực là người theo đạo Hồi. Các khu vực chế biến và đóng gói sản phẩm phải được tách biệt khỏi sản phẩm không phải Halal. Đặc biệt tất cả khâu sẽ được giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền Halal hoặc tổ chức chứng nhận để đảm bảo toàn bộ quy trình phù hợp.

Tiếp đà tăng trưởng cho mỗi địa phương, lĩnh vực - Ảnh 4.

năm 2025, Halal sẽ là đích đến tiềm năng nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

Ông Rasmus Damsted Hansen - Giám đốc Khối Thực phẩm De Heus Việt Nam cho biết: "Khoản đầu tư lớn nhất mà chúng tôi cần thực hiện để trở thành nhà cung cấp đạt chuẩn Halal thực chất nằm ở việc đào tạo con người. Điều quan trọng là đảm bảo đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, đồng thời duy trì các tiêu chuẩn cần thiết mà các tổ chức Halal yêu cầu".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để kinh doanh thành công tại thị trường Halal, các doanh nghiệp cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa tiêu dùng tại từng thị trường xuất khẩu.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Bộ cũng đã chỉ đạo một số doanh nghiệp đã có những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Halal. Tới đây Bộ đã triệu tập các doanh nghiệp họp bàn và thúc đẩy các giải pháp để chúng ta bước vào những thị trường mới để làm sao quy mô của ta duy trì được và đồng thời có được đà tăng trưởng vào năm 2025".

Bên cạnh việc mở rộng thị trường mới, thì nâng cao chất lượng hàng hoá, đáp ứng các yêu cầu của thị trường truyền thống cũng hết sức quan trọng, hướng đến tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay: "Ngành dệt may hiện nay cũng đang có chuyển đổi xanh rất mạnh mẽ, vì đây là ngành công nghiệp hướng đến tiêu dùng xanh và đòi hỏi của khách hàng hiện nay rất khắt khe. Trong những năm vừa qua, ngành dệt may cũng có những sự chuyển đổi rất nhanh, các doanh nghiệp dệt may cũng phải tìm hiểu, có thay đổi đầu tư để đáp ứng được yêu cầu xanh hóa cơ sở sản xuất, quy trình sản xuất. Đây là những minh chứng rất rõ cho việc chúng ta đang chuyển hướng sang mục tiêu xuất khẩu bền vững gắn với tăng trưởng".

Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Tận dụng tốt các FTA sẽ là ưu thế để hàng Việt có đặt chân đến nhiều thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, phát triển với tốc độ cao nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định lâu dài, không gây ra hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, tăng trưởng cao phải gắn với hiệu quả, duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Quan trọng hơn, Tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên sẽ tạo nền tảng để đất nước bước vào một giai đoạn mới, một kỷ nguyên để kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng ở mức cao, 2 con số.

Theo VTV.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm