Thứ Tư, 05/02/2025 13:04

Tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu

05/02/2025 - 07:52 | Kinh tế

Làm chủ khoa học công nghệ, nỗ lực đổi mới sáng tạo đang là cơ sở để các sản phẩm Việt vươn xa trên thị trường thế giới.

Năm qua, giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đã đạt gần 800 tỷ USD - con số kỷ lục. Chúng ta đã bước chân vào những thị trường yêu cầu khắt khe bậc nhất. Không chỉ những sản phẩm công nghệ mà ngay cả những sản phẩm truyền thống như vật liệu xây dựng cũng có thể gia tăng giá trị sáng tạo.

Ông Nguyễn Huy Hoà - Hà Nội cho biết: “Nhà này tôi xây từ năm 1990. Lúc đó tôi lên phố Cát Linh chỉ có gạch 30x30, gạch của Trung Quốc. Việt Nam lúc đó chưa có gạch này”.

Đây là một trong những viên gạch lát đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất. Kích thước chỉ 20x20cm mà còn cong vênh. Cho đến những tấm đá lát 1m6x3m2, rộng mà còn có thể phẳng được hoàn toàn. 30 năm qua, Việt Nam đã đi từ phụ thuộc vào vật liệu xây dựng nước ngoài, đến tự đáp ứng đủ cho trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước. Nhiều những sản phẩm từ nhà máy này đang được sử dụng ở những công trình cao cấp nhất trên thế giới.

Tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu - Ảnh 1.

Các sản phẩm công nghệ số của người Việt cũng đang vươn xa trên thị trường thế giới

Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất được gạch ốp lát cao cấp từ năm 1994, xoá bỏ sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Sau hơn 30 năm, đến nay doanh nghiệp này đã làm chủ được công nghệ sản xuất vật liệu ốp lát hiện đại nhất thế giới, xuất khẩu đi hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Sản phẩm còn được lựa chọn để thi công tháp giải nhiệt nước cho hệ thống điều hòa của tòa nhà Quốc hội Mỹ Capital Hill.

Ông Mai Xuân Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera chia sẻ: “Từ cách đây 30 năm, với mỗi công nghệ mới, chúng ta lại đưa nhân sự đi đào tạo tại nước ngoài, kết hợp với sự sáng tạo của người Việt”.

Ông Rod Applegate- Chủ tịch Công ty Tower Engineering, Mỹ nêu ý kiến: “Để cung cấp gạch cho dự án tòa nhà quốc hội Mỹ, chúng tôi đã tìm kiếm nhiều nhà cung cấp khác nhau trên toàn thế giới. Và cho đến nay, chỉ có doanh nghiệp Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, môi trường”.

Các sản phẩm công nghệ số của người Việt cũng đang vươn xa trên thị trường thế giới. Việt Nam đang có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đã vươn ra nước ngoài. Như ở Nhật Bản, nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng đang sử dụng các phần mềm do người Việt Nam tạo ra.

Ông Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Rikkei Japan đưa ra nhận định: “Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, khi xuất khẩu phần mềm sang Nhật, chủ yếu dừng lại ở gia công phần mềm. Tuy nhiên thời gian gần, chúng tôi khá tự tin công việc phát triển hệ thống cho khách hàng”.

Những sản phẩm trí tuệ của Việt Nam đã xuất hiện và được đón nhận trên thế giới, cho thấy những tiềm năng để chúng ta có thể tự tin vươn mình bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm