Thứ Năm, 17/04/2025 23:16

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên

09/04/2025 - 08:35 | Kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, Việt Nam cần tăng cường khai thác tối đa thị trường nội địa, tạo thành một động lực vững chắc cho tăng trưởng.

Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội quý I năm nay là 6,93%, đây cũng là mức tăng trưởng quý I cao nhất của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây.

Đặt trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm không thay đổi mục tiêu của năm nay là đạt từ 8% trở lên.

Trong buổi Họp báo chính phủ diễn ra vào cuối tuần trước, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chia sẻ, trên cơ sở kết quả quý I, Bộ đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực.

Kịch bản tăng trưởng để đạt mục tiêu 8% trở lên

Để đạt được mức tăng trưởng chung 8% trở lên, Bộ Tài chính xây dựng kịch bản cho quý II, quý III là 8,3% và quý IV là 8,4%.

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên - Ảnh 1.

Kịch bản này cao hơn so với mục tiêu ban đầu và đặt ra nhiều thách thức. Nhưng chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện, trên cơ sở tận dụng tốt đà tăng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo trong quý đầu năm.

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính

Ông Đỗ Thành Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nhấn mạnh: "Với kịch bản quý II, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 10,1%. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt… Chúng ta thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa hiện nay, đóng góp cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thêm nữa vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ".

Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh trong các kỳ nghỉ lễ, Tết đầu năm; số lượng khách quốc tế tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho ngành thương mại, dịch vụ. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng tốt trong 5 năm trở lại đây. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động, chúng ta cần tăng cường khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 100 triệu dân, tạo thành một động lực vững chắc cho tăng trưởng.

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê - cho rằng: "Cần tập trung thay đổi cả các chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước cũng như cách thức tiếp cận bằng con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất".

Để tạo nền tốt cho tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công là một động lực cực kỳ quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 32 về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Doanh nghiệp FDI tin tưởng ở môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Trong bức tranh kinh tế quý I, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một điểm sáng. Vốn thực hiện, tức là số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài thực tế giải ngân vào nền kinh tế, đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua, thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên - Ảnh 4.

Mới đây nhất, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi thư kêu gọi Chính quyền Tổng thống Donald Trump tạm hoãn việc áp thuế đối ứng. Trong thư, hai cộng đồng doanh nghiệp đề cập, Việt Nam đã giảm thuế đối với 13 nhóm hàng hóa, mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.

Ông Mark Gillni - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - cho biết: "Giảm thuế là chính sách kịp thời, đơn giản và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá Hoa Kỳ của Việt Nam là không lớn. Tôi nghĩ những chính sách trong thời gian vừa qua của Việt Nam cho thấy cách tiếp cận rất là thiện chí, rất kịp thời. Tôi nghĩ Việt Nam đã rất thông minh và kiên nhẫn khi không thực hiện đáp trả và cố gắng để phân tích những động thái từ phía Hoa Kỳ".

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - cho rằng: "Việc Hoa Kỳ siết lại thương mại có thể là một cú hích giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình xuất khẩu, phát huy được hiệu quả của bộ máy hoạt động mới. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ có chiến lược đàm phán phù hợp. Về nội tại các doanh nghiệp châu Âu thì cũng sẽ ngồi lại để tái cấu trúc lại bộ máy".

Ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - cho biết: "Với chúng tôi, thuế chỉ là một phần khi cân nhắc quyết định đầu tư tại Việt Nam. Những yếu tố quan trọng hơn là hành lang chính sách thông thoáng, nguồn lao động với giá cả hợp lý, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Chính vì vâỵ, chúng tôi vẫn có niềm tin và lựa chọn đồng hành cùng Việt Nam".

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài

Trong một khảo sát với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, khi được hỏi về các lĩnh vực Việt Nam cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn, sau ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, 29% doanh nghiệp kiến nghị cần tinh giản thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách.

Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên - Ảnh 5.

Thủ tướng yêu cầu trong năm nay phải cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt là phải chuyển tư duy quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Để tăng cường thu hút FDI, Chính phủ đã và đang hoàn thiện nhiều chính sách. Trong đó có việc ban hành Thủ tục đầu tư đặc biệt - "Luồng Xanh" cho các dự án công nghệ cao, chiến lược. Thông thường, một dự án FDI phải thực hiện nhiều thủ tục như: chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, các thủ tục xây dựng, phòng cháy, chữa cháy. Với cơ chế "Luồng Xanh", các bước này sẽ được lược bỏ. Nhà đầu tư cam kết thực hiện theo quy định của pháp luật và chỉ cần nộp một bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Quy định mới này sẽ cắt giảm thời gian cấp phép đầu tư dự án từ trung bình 260 ngày xuống còn 15 ngày.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: "Cách tiếp cận rất cần thiết. Vì chúng ta đang muốn thu hút nhiều tập đoàn công nghệ cao vào Việt Nam. Nhưng làm sao có thể vào nếu thủ tục mất hàng năm trời, nhanh cũng phải mất vài tháng. Đây là rào cản rất lớn do thủ tục của chính chúng ta. Việc đổi mới thủ tục đầu tư, phối hợp các thủ tục sao cho thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí sẽ là những ưu tiên của chúng ta để thu hút đầu tư".

Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cả những thủ tục sau khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư như thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu…

Chính phủ đã ban hành Nghị định 182 về Quỹ hỗ trợ đầu tư, bao gồm hỗ trợ chi phí hàng năm và hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, ví dụ như hỗ trợ tối đa 50% chi phí trong năm cho hoạt động đào tạo nhân lực là người lao động Việt Nam. Để được hưởng hỗ trợ từ quỹ, các doanh nghiệp và dự án phải trong lĩnh vực công nghệ cao phải đáp ứng các điều kiện cụ thể về quy mô vốn đầu tư, doanh thu hoặc cam kết sử dụng nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ sở để Việt Nam thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư chất lượng trong thời gian tới.

Đơn giản hoá thủ tục hành chính không chỉ là động lực cho khu vực FDI phát triển mà còn là yêu cầu tất yếu để khu vực kinh tế trong nước bứt tốc. Đây cũng là nội dung xuyên suốt trong các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, đặc biệt được thể hiện tại Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Mục tiêu đến năm sau sẽ cắt giảm, đơn giản hoá 100% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm