Thứ Bảy, 25/01/2025 08:04

Lĩnh vực ngân hàng trong năm 2025:Sẽ có thêm nhiều cuộc chuyển nhượng, mua bán

24/01/2025 - 08:47 | Kinh tế

Hai thương vụ chuyển giao đã được thực hiện ngay từ đầu năm 2025, mở đầu cho một năm dự báo sẽ có thêm nhiều cuộc chuyển nhượng, mua bán công ty tài chính, bán vốn của các tổ chức tín dụng.

Còn nhiều tiềm năng

hd-bank.jpg

HD Bank nhận chuyển giao DongA Bank. Ảnh: HDB

Mới đây, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Dầu khí toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank).

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ. Dưới sự quản lý của VPBank, HDBank trong vai trò chủ sở hữu, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại GPBank, DongA Bank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. VPBank, HDBank là những ngân hàng có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để thực hiện các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VPBank, HDBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết, trước đây, việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Tuy nhiên, từ khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực (ngày 1-7-2024), quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc, nên các thương vụ cũng được thực hiện hiệu quả. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài hai ngân hàng chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn Công ty Tài chính bưu điện (PTF) cho AEON Financial Service Co., Ltd (AEON Financial). Trước khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, PTF và AEON Finacial đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng trị giá 4.300 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng PTF cho công ty thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group giúp SeABank tăng cường năng lực tài chính, nâng cao vị thế ngân hàng bán lẻ.

Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) - thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản) đã đề nghị với Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) về việc muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của Công ty tài chính TNHH Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHBFinance) để sở hữu 100% vốn công ty này. Còn Tập đoàn Công nghệ tài chính SCB X (Thái Lan) dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua lại Home Credit Việt Nam (công ty tài chính tiêu dùng) ngay trong 6 tháng đầu năm 2025, với giá trị thương vụ khoảng 900 triệu USD.

Về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng. Mặc dù thị trường này đang gặp khó khăn, song vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, tín dụng tiêu dùng luôn hút vốn ngoại.

Hấp dẫn vốn ngoại

vietcombank.jpg

Vietcombank có kế hoạch bán vốn trong năm nay. Ảnh: Quang Thái

Thương vụ bán vốn trị giá hàng tỷ USD của hai ngân hàng lớn là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cả hai ngân hàng này đã có kế hoạch từ năm 2024 nhưng phải hoãn lại nên nhiều cổ đông trông đợi đây sẽ là một sự kiện lớn trong năm 2025.

Đại diện Vietcombank và BIDV đều khẳng định đang làm việc với các nhà tư vấn quốc tế để triển khai kế hoạch này, kỳ vọng hoàn tất trong nửa đầu năm 2025. Trong đó, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện trong quý I-2025, tỷ lệ phát hành 2,89%. Phần còn lại trong kế hoạch phát hành riêng lẻ, tương ứng khoảng 6,1% vốn điều lệ, sẽ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện thị trường và việc tìm kiếm nhà đầu tư.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Jens Lottner cho biết, ngân hàng đang cân nhắc việc bán 15% vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Giới chuyên gia nhận xét, ngân hàng là một trong những lĩnh vực mua bán, sáp nhập dự báo sôi động trong thời gian tới, nhưng các thương vụ đàm phán chuyển nhượng trong lĩnh vực ngân hàng không nhanh như trước. Bởi vì, các ngân hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về đối tác và bản thân nhà đầu tư ngoại cũng phải cơ cấu lại danh mục đầu tư trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu dịch chuyển.

Thực tế, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư ngoại, song “khẩu vị” của nhà đầu tư đã chọn lọc hơn. Theo đó, nhiều nhà đầu tư ngoại không còn “tham” về room (hạn mức) sở hữu nữa, mà chú trọng các ngân hàng chất lượng tài sản tốt, bộ máy lãnh đạo quản trị tốt và có khả năng sinh lời tốt. Dự báo, năm 2025, thị trường ngân hàng sẽ bùng nổ các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm