Thứ Năm, 14/11/2024 13:44

Khả thi nguồn vốn cho đường sắt tốc độ cao

13/11/2024 - 08:09 | Kinh tế

Khi nhu cầu vận tải tăng cao, quy mô nền kinh tế năm nay dự báo đạt trên 465 tỷ USD, nguồn lực để đầu tư cho đường sắt tốc độ cao ở mức 67 tỷ USD được cho là khả thi.

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, tức là tương đương hơn 1,7 triệu tỷ đồng từ nguồn vốn dự án đầu tư công với tinh thần "chỉ bàn tiến không bàn lùi”.

Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam đã được nghiên cứu từ gần 15 năm trước. Thời điểm đó, quy mô GDP của Việt Nam mới chỉ khoảng 147 tỷ USD, nên dự kiến tổng mức đầu tư cho đường sắt tốc độ cao khi đó là 56 tỷ USD bằng tới trên 38% và đẩy tỷ lệ nợ công lên mức gần 57% GDP, là mức gần chạm ngưỡng cho phép.

Còn ở hiện tại, khi nhu cầu vận tải tăng cao, quy mô nền kinh tế năm nay dự báo đạt trên 465 tỷ USD, tức là cao gấp hơn ba lần so với năm 2010 thì nguồn lực để đầu tư cho đường sắt tốc độ cao dự kiến ở mức 67 tỷ USD được cho là khả thi.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công từ các nguồn vốn như ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay.

Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Vốn cần thiết trong năm 2025 cho dự án chúng tôi đã tính toán khoảng 538 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này Bộ Giao thông Vận tải đã cân đối trong số vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải từ những dự án giảm do quyết toán giá trị hoàn thành”.

Cùng với đó, trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga, phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Ông Lê Hoàng Anh - Đại biểu tỉnh Gia Lai nêu ý kiến: “Tránh việc phải tăng tổng mức đầu tư, đảm bảo an toàn nợ công , thu xếp nguồn vốn, đảm bảo cho giai đoạn 2025 - 2035 vì trong giai đoạn này, chúng ta không chỉ đầu tư đường sắt tốc độ cao mà còn các dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2021-2025”.

Giai đoạn 2026-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, trong đó có phần vốn cân đối cho đầu tư đường sắt tốc độ cao. Theo Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2030, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao hoàn toàn đảm bảo các tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm