Thứ Tư, 08/01/2025 13:30

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới

07/01/2025 - 09:33 | Kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 7,09%. Cao hơn nhiều so với 5,05% của năm 2023, và cao hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao vào đầu năm.

7,09% là mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024, được Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1. Cao hơn nhiều so với mức 5,05% của năm 2023, và cao hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao vào đầu năm. Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và của chính các doanh nghiệp.

Trước năm 2019, năm bùng phát đại dịch Covid-19, GDP của chúng ta tăng trưởng trong khoảng 6 - 7%. Sau giai đoạn biến động ở mức thấp năm 2020 - 2021, phục hồi trên nền thấp vào năm 2022, cho đến nay, nền kinh tế đã quay trở lại với quỹ đạo tăng trưởng trên 7%. Đây là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế đưa ra nhận định lạc quan về Việt Nam.

Bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: "Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những chính sách cởi mở và vượt trội từ Chính phủ, bối cảnh chính trị ổn định, các bạn cũng đang tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, logistics. Chúng tôi nhìn thấy một làn sóng FDI dịch chuyển vào Việt Nam. Đây là điều chúng tôi đánh giá rất tích cực. Việt Nam cũng có mạng lưới quan hệ thương mại với các hiệp định thương mại tự do FTA rộng khắp. Các bạn có thể tận dụng thế mạnh này để trở thành trung tâm thương mại của các ngành công nghiệp".

Điểm sáng về đầu tư trong năm qua là giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 25,35 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ năm 2020, tăng 9,4 % so với năm 2023.

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới - Ảnh 1.

Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt với 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2020.

Khi nhắc đến đầu tư nước ngoài, chúng ta thường đề cập đến 2 số liệu. Một là vốn đăng ký mới và 2 là vốn giải ngân. Về vốn FDI đăng ký mới năm 2024 chúng ta đạt trên 38 tỷ USD, giảm 3% so với năm ngoái.

Lý do, nền kinh tế thế giới năm 2024 vẫn là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu khi biến động địa chính trị diễn ra mạnh, kinh tế phục hồi chậm, chính sách bảo hộ thương mại làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào biểu đồ vốn đăng ký mới qua các năm có thể biến động, nhưng vốn giải ngân lại giữ xu hướng tăng đều. Trên thực tế, có những doanh nghiệp họ đăng ký vào Việt Nam nhưng lại chưa đầu tư, cho nên vốn giải ngân sẽ là con số thực chất hơn đối với nền kinh tế. Đây là minh chứng cho thấy, dòng vốn ngoại ngày càng triển khai tốt, đi vào nền kinh tế nhanh hơn.

Trong cả năm qua, rất nhiều chính sách mới đang được triển khai để thu hút FDI có chọn lọc, công nghệ cao, mang lại nhiều giá trị tăng thêm cho nền kinh tế. 2 trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ được thành lập tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia và Đề án phát triển nhân lực bán dẫn. Trong năm 2024, hàng loạt tên tuổi lớn như Tập đoàn chip số 1 thế giới Nvidia, Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ… đã đến Việt Nam với những cam kết dần được hiện thực hoá. Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư cũng đã được ban hành.

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới - Ảnh 2.

Doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam thì không cần xin giấy phép đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư sẽ được cấp đăng ký đầu tư nhanh.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Có chính sách rất đặc biệt cho ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn. Đó là, những doanh nghiệp này khi đầu tư vào khu công nghiệp ở Việt Nam thì không cần xin giấy phép đầu tư, chỉ cần đăng ký đầu tư. Trong 15 ngày, sẽ cấp đăng ký đầu tư nhanh. Thứ 2 là khi được cấp rồi thì các doanh nghiệp này chỉ cần cam kết thực hiện các vấn đề liên quan đến xây dựng, môi trường, PCCC, thì cho phép hậu kiểm. Tức là người ta không cần xin phép, người ta cứ thế làm. Sau này chúng ta sẽ có các cơ quan kiểm tra".

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 786,29 tỷ, mức cao nhất từ trước tới nay. Hàng loạt mặt hàng đạt kỷ lục xuất khẩu như trái cây, gạo, cà phê, điều…

Doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu thì hoạt động sản xuất trong nước mới nhộn nhịp, minh chứng ngay qua số liệu. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, cao hơn nhiều so với mức khiêm tốn hơn 1% của năm 2023. Thời điểm cuối năm âm lịch, đầu năm dương lịch cũng là lúc đơn hàng về nhiều, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất, chuẩn bị cho một năm 2025 đầy hứa hẹn.

Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng hơn 20% năm 2024

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới - Ảnh 3.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, máy móc các sản phẩm công nghiệp tăng 21% so với năm 2023.

Những chiếc sen vòi đồng được công nhân kiểm tra những khâu cuối cùng trước khi đóng hộp xuất khẩu. Đơn hàng trước Tết âm lịch tăng cao, nên 300 công nhân của công ty phải chia 3 ca/ngày để kịp tiến độ đơn hàng.

"Thị trường phát triển nhất của chúng tôi là xuất khẩu đi Hàn Quốc, năm 2025 này thị phần xuất khẩu của chúng tôi sẽ tăng vọt vì đã ký kết thành công với thị trường khó tính là Mỹ. Trong năm đầu tiên hợp đồng ký là 2 triệu USD và tăng 50% các năm sau đó", anh Nguyễn Xuân Công - Phó Giám đốc Công ty Sen vòi Selta chia sẻ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, trong đó máy móc các sản phẩm công nghiệp tăng 21% so với năm 2023, đây là nền tảng để các doanh nghiệp sản xuất trong nước đầu tư thêm máy móc, đón thêm nhiều đơn hàng từ các thị trường khó tính khác.

Bà Vũ Thị Hoa - Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất công nghệ cao Việt Hàn cho hay: "Lượng đơn hàng năm nay so với năm 2023 đang tăng khoảng 30%, chính vì vậy lượng sản xuất cũng tăng lên. Chúng tôi dự định từ giờ đến cuối năm sẽ có 6.000 cuộn cáp mạng, 8.000 cuộn dây led, 10.000 cuộn dây điện chống cháy sẽ đưa ra thị trường. Vui mừng nhận chứng chỉ OL từ tháng 9/2024 điều kiện cần thiết để xuất khẩu mặt hàng cáp mạng sang Mỹ và Canada".

Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đo dấu chân carbon, cập nhật các quy định xuất khẩu xanh, sản xuất bền vững để doanh nghiệp nhanh chóng chuẩn bị đủ điều kiện xuất khẩu sang các quốc gia phát triển.

Sức mua tăng dần, doanh nghiệp tăng tốc sản xuất hàng Tết

Giải pháp thúc đẩy FDI giai đoạn tới - Ảnh 4.

Sức mua tăng trưởng tích cực cùng việc kéo dài chính sách thuế giảm 2% VAT cho 6 tháng đầu năm 2025 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9%. Bước vào tháng 1 cũng là thời gian cao điểm điểm người dân mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của nhiều hệ thống bán lẻ, hàng Tết đã góp phần kéo sức mua tăng từ 30 - 40% so với tháng trước. Sức mua tăng trưởng tích cực cùng việc kéo dài chính sách thuế giảm 2% VAT cho 6 tháng đầu năm 2025 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cao điểm sản xuất hàng Tết của doanh nghiệp thực phẩm đã bắt đầu được 1 tuần nay. Công suất nâng lên 30%, cung ứng đủ cho thị trường khoảng 12 tấn hàng hóa mỗi ngày, ngày cao điểm có thể lên 17-18 tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên chia sẻ: "Tăng ca liên tục, trung bình một ngày tăng ca 2-3 tiếng để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng sôi động hơn, mọi người cũng mong sản phẩm này qua kịp Tết Nguyên đán ở các nước khác".

Sản lượng mùa Tết được đa số doanh nghiệp tính toán tăng 30-35% so với tháng thường. Một số doanh nghiệp thì sản lượng có thể tăng từ 2-3 lần. Bên cạnh yếu tố về thời điểm, các doanh nghiệp cho biết, chính sách giản 2% VAT kéo dài đến giữa năm giúp doanh nghiệp ổn định được nguyên liệu đầu vào, giá bán ra, có thêm nguồn lực thực hiện khuyến mãi, từ đó kéo sức mua.

Một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã mạnh dạn tăng ngân sách dự trữ hàng hóa Tết lên 15-20% so với năm trước khi biết chính sách thuế tiếp tục triển khai.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay: "Giảm 2% VAT đã trực tiếp đi vào đời sống của người dân trên cả nước, được giảm như thế thì giá thành của sản phẩm sẽ giảm, sức mua của thị trường sẽ được hấp dẫn. Cách doanh nghiệp đã đầy đủ nguyên vật liệu, phân bổ sản xuất. Nên bất kỳ tình huống nhu cầu tiêu dùng tăng bao nhiêu thì doanh nghiệp cũng đáp ứng đầy đủ".

Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dự báo, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng chính sách thuế kịp thời, sức mua dịp Tết năm nay sẽ tăng 5 - 8% so với năm 2023.

Thực tế, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, ngân hàng HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm 2023.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8%. Đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng mức nền tốt từ cả 3 trụ cột Đầu tư - Xuất khẩu - Tiêu dùng trong năm 2024 sẽ là động lực để nền kinh tế bứt tốc trong năm 2025 này.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm