Thứ Tư, 22/01/2025 14:04

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường nông sản và nguyên liệu công nghiệp

22/01/2025 - 11:16 | Kinh tế

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày giao dịch 21/1. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ 0,17% lên trên mức 2.312 điểm, nối dài đà tăng ba phiên liên tiếp.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường nông sản và nguyên liệu công nghiệp- Ảnh 1.

Giá đậu tương tăng vọt lên lên mức cao nhất trong hơn ba tháng

Trở lại sau ngày nghỉ lễ Martin Luther King, bảng giá các mặt hàng nhóm nông sản bao phủ bởi sắc xanh với 7/7 mặt hàng đều tăng giá. Đáng chú ý, giá đậu tương hợp đồng tháng 3/2025 tăng vọt 3,22%, lên mức cao nhất trong ba tháng rưỡi. Tổng thống Mỹ chưa áp đặt thuế quan lên Trung Quốc ngay ngày đầu nhận chức, lo ngại về thời tiết tại Argentina và tiến độ thu hoạch chậm ở Brazil là những thông tin quan trọng đã hỗ trợ giá đậu tương trong phiên hôm qua.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường nông sản và nguyên liệu công nghiệp- Ảnh 2.

Theo sau đậu tương, giá ngô hợp đồng tháng 3/2025 tăng 1,19% so với tham chiếu, lên mức cao nhất 8 tháng. Bên cạnh hỗ trợ từ việc thiếu vắng các lệnh thuế quan lên Trung Quốc như dự kiến và lo ngại về mùa vụ tại Nam Mỹ, giá ngô còn nhận hỗ trợ từ số liệu giao hàng theo tuần của Mỹ.

Dữ liệu từ báo cáo giao hàng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy tổng cộng 1,54 triệu tấn ngô đã được vận chuyển trong tuần kết thúc vào ngày 16/1. Con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6,88% so với tuần trước đó. Tính lũy kế từ đầu niên vụ, tổng lượng ngô đã được vận chuyển đạt 19,2 triệu tấn, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ca cao vượt 11.500 USD/tấn

Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá nguyên liệu công nghiệp khi 6/9 mặt hàng tăng giá. Trong đó, ca cao hợp đồng tháng 3/2025 là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của cả nhóm khi tăng 3,45% lên mức 11.559 USD/tấn. Nguyên nhân hỗ trợ cho giá ca cao xuất phát từ triển vọng nguồn cung kém lạc quan tại Ghana, quốc gia sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường nông sản và nguyên liệu công nghiệp- Ảnh 3.

Trong một diễn biến khác, giá hai mặt hàng cà phê biến động trái chiều khi thông tin cơ bản trên thị trường có xu hướng phân hóa. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 0,17% trong khi giá cà phê Robusta tăng 2,33% lên mức 5.263 USD/tấn, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh một tháng.

Giá cà phê đang được hỗ trợ bởi lo ngại về sản lượng sụt giảm tại Brazil, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới. Các dự báo gần đây từ các tổ chức đều cho thấy sản lượng cà phê từ nước này dự kiến sẽ giảm trong năm nay. Mới nhất, trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB) hạ dự báo sản lượng cà phê thu hoạch năm 2024 của Brazil còn 54,2 triệu bao loại 60 kg, giảm 1,05% so với báo cáo hồi tháng 9/2024 và thấp hơn 1,6% so với năm 2023. Tuy nhiên, lo ngại này đã được xoa dịu phần nào sau khi quan chức Chính phủ nước này trấn an thị trường, qua đó hạn chế đà tăng của giá. 

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (22/1) ghi nhận ở mức 120.300-121.300 đồng/kg, giá tăng 800-1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê đã tăng gần gấp đôi.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm