Thứ Năm, 26/12/2024 16:57

Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2024: Đóng góp thiết thực cho phát triển

26/11/2024 - 10:54 | Khoa học - Công nghệ

Bước sang năm thứ 10, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (TECHFEST) 2024, diễn ra từ ngày 26 đến 28-11 tại Hải Phòng, có bước chuyển đổi từ giai đoạn khởi đầu sang giai đoạn trưởng thành và mở rộng.

Sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các doanh nghiệp tham gia vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia” tại TECHFEST 2023.

Hành trình kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, nếu chiếu theo thang đánh giá về hệ sinh thái gồm 4 giai đoạn (kích hoạt, toàn cầu hóa, thu hút và hội nhập) thì đã trải qua 3 giai đoạn.

Cụ thể, trong giai đoạn kích hoạt (2013-2016), Việt Nam đã bước đầu hình thành hành lang pháp lý về phát triển thị trường khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ doanh nghiệp mới, giàu sức sáng tạo phát triển, mở rộng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong giai đoạn này, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025" (Đề án 844) để phát triển hệ sinh thái rộng và đồng đều. Nhờ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng cơ sở ươm tạo và thúc đẩy kinh doanh.

Đến giai đoạn toàn cầu hóa (2017-2020), Việt Nam đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn bằng sự hỗ trợ tài chính thông qua Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nhanh, cung cấp vốn rủi ro cho các doanh nghiệp mới thành lập. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) huy động được nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2019, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Trong giai đoạn thu hút đầu tư (từ 2021 đến nay), hệ sinh thái đang trên đà tăng trưởng đã bị chững lại vì đại dịch Covid-19. Song, với sự nỗ lực, cố gắng từ phía doanh nghiệp và sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có những bước hồi phục ấn tượng. Năm 2021, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đạt 1,4 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho biết, dưới góc nhìn của các tổ chức quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam khá đều, bền vững và có hướng đi phù hợp với quốc tế về vốn, tài chính, kết nối và phát triển hệ sinh thái, phát triển thị trường, chính sách thể chế... Với hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ngày càng phát triển đồng bộ; kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ được ứng dụng nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyển đổi để bắt kịp với kỷ nguyên mới

Thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 2 startup được định giá trên 1 tỷ USD. Cùng với đó, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa...

Từ năm 2017 đến nay, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 vào năm 2016 lên vị trí 44 vào năm nay. Đầu tư mạo hiểm cũng có xu hướng phát triển tốt, thể hiện qua chỉ số số thương vụ về đầu tư mạo hiểm, cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024. Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.

Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, TECHFEST đóng góp rất lớn vào kết quả trên. Kể từ năm 2015 đến nay, qua 9 lần tổ chức, TECHFEST Việt Nam đã trở thành sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của các cơ quan ban hành chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Sự kiện góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Bước sang năm thứ 10, TECHFEST Việt Nam 2024 sẽ đánh dấu bước chuyển đổi hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, từ giai đoạn khởi đầu sang giai đoạn trưởng thành và mở rộng để đồng bộ, bắt kịp với kỷ nguyên mới của đất nước. Cùng với đó, vai trò mới của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sẽ xác định rõ nét hơn cũng như đòi hỏi cơ chế, chính sách, sự điều chỉnh mô hình mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm