Chủ Nhật, 23/02/2025 13:52

Giới công nghệ thúc đẩy cuộc đua điện toán lượng tử

23/02/2025 - 07:13 | Khoa học - Công nghệ

Majorana 1, con chip mới do Microsoft tự phát triển kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian đưa công nghệ điện toán lượng tử vào ứng dụng trên toàn cầu, xuống chỉ còn vài năm tới.

Cùng với trí tuệ nhân tạo AI hay xe tự lái, điện toán lượng tử cũng là một trong những xu hướng tương lai nổi bật của giới công nghệ toàn cầu.

Ngày 19/2, Microsoft đã công bố Majorana 1, một con chip mới do hãng tự phát triển với kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đưa công nghệ điện toán lượng tử vào ứng dụng trên toàn cầu, xuống chỉ còn vài năm tới. CEO của Microsoft, ông Satya Nadella đã công bố về bước tiến mới của hãng trong lĩnh vực này đầy lạc quan.

"Hãy tưởng tượng có một con chip nằm gọn trong lòng bàn tay bạn, nhưng lại có khả năng giải quyết những vấn đề mà tất cả các máy tính trên trái đất ngày nay cộng lại cũng không làm được", ông Satya Nadella - Giám đốc điều hành tập đoàn Microsoft cho biết.

Tỷ phú Elon Musk cũng đã đăng tải lại bài đăng của CEO Microsoft cùng lời bình luận "Công nghệ điện toán lượng tử đang ngày càng có nhiều bước đột phá". Thay vì xử lý thông tin bằng bit nhị phân với các chữ số 0 và 1, công nghệ điện toán lượng tử sử dụng các đơn vị gọi là bit lượng tử - hay qubit, cho phép xử lý thông tin nhanh và mạnh hơn nhiều, có thể thực hiện những phép tính mà máy tính bình thường mất tới hàng triệu năm, giúp mở ra triển vọng về khám phá mới trong các lĩnh vực như nghiên cứu y học, phát triển dược phẩm và năng lượng mới.

Tuy nhiên, thách thức lớn để đưa công nghệ này ứng dụng trong thế giới thực là tình trạng lỗi do các qubit bị xáo trộn. Theo Microsoft, bước đột phá ở con chip của hãng nằm ở việc sử dụng một vật liệu hoàn toàn mới giúp tăng tính ổn định và tự sửa lỗi tốt hơn.

Chỉ 2 tháng trước đó, đối thủ Google cũng công bố Willow, với kích thước chỉ bằng một viên kẹo nhưng chỉ cần 5 phút để xử lý tác vụ mà siêu máy tính truyền thống mất tới 10 triệu tỷ tỷ năm, và cũng có khả năng giảm thiểu lỗi tính toán.

Những tên tuổi này đều đặt kỳ vọng đưa điện toán lượng tử vào ứng dụng thương mại trong 5-7 năm tới. Tuy nhiên cũng có không ít tên tuổi công nghệ tỏ ra hoài nghi vào mục tiêu này, một trong số đó là Jensen Huang - CEO Nvidia

Ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia cho biết: "15 năm vẫn là con số quá sớm để có được các máy tính lượng tử mang tính ứng dụng cao. Tôi nghĩ 20 năm mới là cột mốc mà đa số chúng ta có thể tin tưởng với lĩnh vực này".

Những bình luận từ ông Huang và Mark Zuckerberg của Meta đã đẩy giá cổ phiếu nhiều công ty công nghệ liên quan đến điện toán lượng tử đi xuống. Nhưng dù là mốc thời gian nào, chắc chắn là đầu tư cho lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới bởi những tiềm năng phi thường mà công nghệ này có thể mang lại.

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm