Ngày 3/2, tại thôn Nà Nèn, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê đã diễn ra Lễ hội Lồng tồng, hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày và nhân dân các dân tộc địa phương được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm với mong ước cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
![]() |
Mở đầu thường được bắt đầu bằng các nghi lễ cúng bái trang trọng do thầy cúng (thầy Tào) thực hiện |
Mở đầu thường được bắt đầu bằng các nghi lễ cúng bái trang trọng do thầy cúng (thầy Tào) thực hiện. Thầy cúng sẽ đọc các bài khấn cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Lễ vật cúng tế thường bao gồm đầu lợn, xôi, hoa quả, rượu và các sản vật địa phương.
![]() |
![]() |
Hội tung còn thu hút đông đảo người dân tham gia |
Tiếp theo là Hội tung còn thu hút đông đảo người dân trong thôn và một số thôn lân cận thuộc địa bàn thị trấn tham gia. Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, địa điểm được chọn ở giữa một khoảng đất trống giữa thôn, người dân dựng một cây Mai cao từ 20-30 m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 - 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo. Theo quan niệm của người Tày thì ai ném quả còn trúng vòng đồng tâm nhất sẽ là người may mắn trong năm. Sau đó là các hoạt động thể dục thể thao như kéo co, bóng chuyền, đẩy gậy,… cũng được tổ chức và diễn ra sôi nổi.
![]() |
Bà con cùng nhau ăn chung mâm cỗ do các hộ gia đình tự đóng góp |
Nét khác biệt của Lễ hội Lồng tồng của người Tày ở nơi đây là bà con cùng nhau ăn chung mâm cỗ do các hộ gia đình tự đóng góp, cùng nhau mặc những trang phục dân tộc. Lễ hội Lồng tồng đã trở thành một điểm nhấn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày thôn Nà Nèn, thị trấn Yên Phú huyện Bắc Mê khi Tết đến Xuân về. Lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa mà còn là một biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên ở nơi đây./.
Hoàng Hà (Bắc Mê)
Ý kiến bạn đọc