Nằm ở vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc là nơi cư trú của 17 dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Nùng, Lô Lô…Với địa hình chủ yếu núi đá bị chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt nên nơi đây nổi tiếng là vùng đất khát. Trong nhiều nỗ lực giúp đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, huyện đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các hệ thống hồ chứa nước giúp nhân dân duy trì sinh hoạt.
![]() |
Công trình hồ treo cung cấp nước sinh hoạt cho 65 hộ dân thôn Séo Sả Lủng xã Pải Lủng (Mèo Vạc) |
Hàng năm trên địa bàn huyện Mèo Vạc thời gian thiếu nước sinh hoạt thường kéo dài từ tháng 10 cuối năm trước đến tháng 5 năm sau. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ hàng chục km, hoặc phụ thuộc nước mưa được hứng trực tiếp từ mái nhà mới đủ nước sinh hoạt dùng trong 4 - 5 ngày cho gia đình. Trải qua bao thế hệ, đồng bào nơi đây luôn mong muốn đảng, nhà nước quan tâm giúp giải cơn khát. Trước tình hình trên, nhiều năm trở lại đây cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và các mạnh thường quân. Các công trình hồ treo, bể, téc chứa nước từng bước đã được đầu tư phục vụ cộng đồng, hộ gia đình trên địa bàn. Điển hình như công trình cấp nước tập trung thôn Séo Sả Lủng xã Pải Lủng, được đầu tư với dung tích trên 1200m3 đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 56 hộ dân trong thôn. Nó còn đặc biệt hơn khi công trình được đưa vào sử dụng trước thềm Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, giờ đây bà con không phải lo thiếu nước mỗi khi mùa đông đến. Phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước hồ treo anh Vừ Mí Sùng, thôn Séo Sả Lủng xã Pải Lủng chia sẻ: Ngày trước thiếu nước mỗi hộ dân trong thôn khổ lắm. Mọi sinh hoạt, chăn nuôi, gieo trồng đều bị ảnh hưởng, có khi các thành viên trong gia đình còn không dám tắm rửa hàng ngày. Nay được huyện quan tâm hỗ trợ xây dựng hồ chứa nước ngay tại thôn chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, làm gì cũng thuận tiện. Cảm ơn đảng, nhà nước giúp đỡ, giờ đây các hộ dân cùng bàn bạc phải cùng nhau quản lý, giữ gìn, sử dụng nguồn nước hiệu quả.
![]() |
Người dân thôn Sán Séo Tỵ xã Khâu Vai lấy nước về phục vụ gia đình |
Tại xã Khâu Vai địa phương có tỷ lệ hộ nghèo nhất huyện, cuối năm 2023 đầu năm 2024 cũng đã được đầu tư thêm một công trình hồ chứa nước dung tích hơn 1000m3 phục vụ các hộ dân thôn Sán Séo Tỵ. Công trình được bàn giao đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào nhân dân và điểm trường mầm non, tiểu học. Phục vụ đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung. Nguồn nước sạch từ đầu nguồn được tích trữ phần nào đã phục vụ đủ nhu cầu sử dụng thiết yếu của bà con, từ đó hạn chế ốm đau, bệnh tật đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trưởng thôn thôn Sán Séo Tỵ, xã Khâu Vai Sùng Mí Sình cho biết: Toàn thôn có gần 100 hộ dân, trước đây bà con chỉ sử dụng nguồn nước mưa hứng từ mái nhà không đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên đồng bào không còn cách nào khác cả vì không có nguồn nước tự nhiên. Năm nay được nhà nước hỗ trợ xây hồ chứa nước nên bà con mình vui lắm. Sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm đều thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Từ những mô hình hồ chứa nước sinh hoạt hiệu quả, đến nay huyện Mèo Vạc đã có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích trên 150.000 m3 đang được đầu tư xây dựng. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, khi các hồ chứa nước hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho 2/3 dân số của đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Ông Trần Văn Tư, Phó Giám đốc ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Mèo Vạc khẳng định.
Việc xây dựng hồ chứa nuớc sinh hoạt trên vùng cao nguyên đá đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Làm thay đổi cuộc sống của đồng bào, giải quyết được một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường của khu vực, tạo điều kiện phát triển du lịch. Nó còn có ý nghĩa hơn khi những công trình này được đưa vào sử dụng vào đúng thời điểm đồng bào nhân dân các dân tộc vùng cao biên giới cùng với cả nước đang phấn khởi đón xuân mới. Sức sống mới ở vùng cao của tỉnh Hà Giang đang ngày càng bừng sáng với nhiều đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Thành quả đó là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để cho những bản làng, vùng quê “đơm hoa, kết trái”.
Bài, ảnh: Minh Đức (Mèo Vạc)
Ý kiến bạn đọc