Banner

Tạo đà phát triển thị trường lao động

08:33, 19/01/2022
Vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ở nước ta đang dần phục hồi tích cực. Để người lao động rộng mở cơ hội việc làm, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tạo đà, thúc đẩy thị trường lao động phát triển. 

 

Tư vấn cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền


“Trợ lực” để hồi phục

 

Năm 2021, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên giảm nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động. Cùng với đó, do ảnh hưởng của việc thiếu việc làm, hơn 2 triệu lao động ngoại tỉnh từ các khu vực kinh tế trọng điểm hồi hương, gây mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ tại một số nơi, một số ngành, nghề... Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, tính chung trong năm 2021, số lao động có việc làm ở khu vực kinh tế chính thức là 15,4 triệu người, ở khu vực kinh tế phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm lần lượt gần 470.000 người và 628.000 người so với năm 2020. Số lao động thất nghiệp là hơn 1,4 triệu người, tăng gần 204.000 người so với năm 2020...

 

Trong bối cảnh này, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm “trợ lực” kịp thời cho thị trường lao động từng bước hồi phục, phát triển. Trong đó, với nhóm giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, các bên liên quan đã triển khai đồng bộ, bảo đảm đúng đối tượng. Kết quả, cả nước có gần 742.000 lượt người sử dụng lao động, hơn 42,8 triệu lượt người lao động và các trường hợp khác được hỗ trợ an sinh với nguồn lực trị giá hơn 71.000 tỷ đồng.

 

Giải pháp bao trùm là chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động thông qua việc nâng cao hiệu quả của hệ thống trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm. Đáng chú ý, việc thu hút người lao động, nhất là lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tham gia học nghề, giúp họ có thể tiếp cận với cơ hội việc làm tốt hơn được các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm, với gần 1,9 triệu người được đào tạo nghề trong năm qua. Nhờ đó, thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi tích cực vào thời điểm cuối năm 2021. Dẫn chứng là, trong quý IV-2021, số lao động có việc làm tăng hơn 1,82 triệu người; số người bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid-19 giảm 3,5 triệu người so với quý III cùng năm.

 

Thích ứng với tình hình mới

 

Đào tạo nghề sửa chữa thiết bị điện tại Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội.


Tiếp đà khởi sắc của thị trường lao động, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương chú trọng củng cố, vận hành thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi kinh tế.

 

Theo hướng này, các bên tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ, phát triển thị trường lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 13-12-2021). Trong đó, hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp về một số chi phí sinh hoạt tối thiểu; khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, tiền ăn ca, chế độ bảo hiểm...

 

Dưới góc độ quản lý tại địa phương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, chắc chắn thị trường lao động, việc làm từng bước ổn định, phát triển trong tình hình mới. Sở đã và đang chủ động phối hợp với các địa phương của thành phố tăng cường kết nối cung - cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, khi người lao động nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, họ sẽ yên tâm gắn bó với công việc, còn người sử dụng lao động có nguồn nhân lực ổn định để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Giải pháp trọng tâm khác được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng thông tin, năm 2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp tục gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động, bảo đảm đa số người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc đào tạo, đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; lao động tại các khu vực kinh tế trọng điểm... sẽ được ưu tiên.

 

Từ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều người lao động tích cực tham gia đào tạo nghề để nâng cao năng lực làm việc hoặc chủ động tiếp cận với cơ hội việc làm. Anh Nguyễn Văn Thắng (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc làm tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải vào tháng 8-2021, tôi đã học nghề hàn trình độ sơ cấp. Sau 3 tháng học nghề, hiện tôi đã có việc làm tại một xưởng cơ khí gần nhà”.

 

Thông qua các giải pháp triển khai đồng bộ của các cơ quan chức năng cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong thời gian tới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, năm 2022, cả nước phấn đấu giải quyết việc làm cho hàng triệu lượt người; tuyển sinh, đào tạo nghề cho gần 2,1 triệu lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67-68% (hiện là 66%) và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...

 

Theo Hanoimoi.com.vn