Banner

Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo tiêm vaccine COVID-19

Lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng tâm lý lo lắng của người dân, một số đối tượng xấu tìm cách lừa đảo dưới hình thức “nhượng suất” tiêm vaccine phòng COVID-19, quảng cáo trên mạng xã hội tự nhận có nguồn vaccine dưa thừa. Điều này gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung. Trước thực trạng này, Báo Điện tử Chính phủ thực hiện loạt bài nhằm cảnh báo người dân và khuyến nghị cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn.

 

Đã xuất hiện những hành vi mang tính chất lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm trục lợi làm ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

 

Bộ Y tế khẳng định: Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được

Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng,

chống dịch COVID-19

 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng internet liên quan đến dịch bệnh đang gia tăng tại nhiều quốc gia.

 

Tại Việt Nam, thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn.

 

Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng qua điện thoại, thư điện tử, tờ rơi quảng cáo, mạng xã hội…

 

Một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại của một số nơi dư thừa nên có thể bán lại và tiêm cho người dân. Ðây thực chất là những hành vi mang tính chất lừa đảo nhằm trục lợi làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

 

Nhiều người cho biết họ đã nhận được một thư điện tử, hướng dẫn đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website, email yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP và yêu cầu chuyển trước khoản tiền hơn 1 triệu đồng. Sau đó, họ còn được đề nghị truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công.

 

Ngoài việc mất số tiền 1 triệu đồng, người bị lừa đảo khi làm theo yêu cầu từ thư điện tử lạ rất có thể đã bị các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để chiếm đoạt tiền hoặc phá hoại máy tính bằng các phần mềm độc hại.

 

Vào tháng 12/2020, Tòa án nhân dân TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh) đã mở phiên tòa xét xử Tiêu Thị Tuyết Sương (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc tiêm vaccine giả cho nhiều người, trong đó có vaccine phòng COVID-19.

 

Sương tự xưng là nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Ðịnh, có dịch vụ tiêm vaccine tại nhà. Sau khi có người “sập bẫy”, Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh rồi pha trộn, bơm sẵn dung dịch vào các ống tiêm cất và thông tin rằng có khả năng ngừa các bệnh: COVID-19, viêm gan A, viêm gan B... Bị cáo khai trước toà rằng do nợ nần và thấy nhiều người dân có nhu cầu tiêm ngừa nên đã nảy sinh ý định lừa đảo.

 

Với thủ đoạn này, Tiêu Thị Tuyết Sương đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại tại TP. Quy Nhơn và huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh).

 

Hành vi của bị cáo đã gây nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình trong dư luận, gây hoang mang, xáo trộn trong cuộc sống nhân dân, làm ảnh hưởng đến cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.  Sương đã bị tuyên phạt bốn năm tù giam.

 

Trước thực trạng nguy hiểm nêu trên, ngày 15/6, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về tăng cường truyền thông cảnh báo lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  

 

Bộ Y tế khuyến cáo: Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần tiếp xúc đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian; trường hợp qua trung gian phải được xác nhận hoặc ủy quyền của nhà sản xuất.

Người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo. Ảnh: VGP/Thúy Hà


Bộ Y tế khẳng định: Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) kiểm soát cấp phép lưu hành; các lô vaccine nhập khẩu trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.

 

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine để tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, người dân cần bình tĩnh, chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo.

 

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác; chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

 

Người dân khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

 

Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng. Nếu người dân nhẹ dạ, cả tin, nôn nóng tiêm phòng để được miễn dịch sớm, rất dễ “tiền mất, tật mang”, gây nguy hại đến sức khỏe, hậu quả khó lường.

 

Chúng ta đồng lòng phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng rất cần nâng cao ý thức cảnh giác, sớm phát hiện, ngăn chặn ngay, ngăn chặn có hiệu quả những kẻ làm vaccine giả, bán vaccine giả, những kẻ tiêm phòng “chui” với nhiều chiêu trò lừa đảo. Hành động sáng suốt của mỗi người sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm phòng của Nhà nước trên quy mô cả nước.

 

Theo Chinhphu.vn