Banner

Khi nào dập tắt được dịch bạch hầu tại Tây Nguyên?

Trong hơn 1 tháng qua, tại Tây Nguyên đã ghi nhận hơn 50 trường hợp dương tính, trong đó 3 ca bệnh đã tử vong do bệnh bạch hầu.

 

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, tại khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận hơn 50 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, trong đó 3 ca bệnh đã tử vong. Đây là dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp nên dự báo số ca bệnh có khả năng tiếp tục gia tăng.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dập tắt dịch bạch hầu trong thời gian nhanh nhất và đảm bảo tính bền vững, ngành y tế phối hợp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống. Vậy khi nào có thể chấm dứt được dịch bệnh nguy hiểm này tại Tây Nguyên và chặn đứng được nguồn lây sang các khu vực khác?.

 

Chăm sóc bệnh nhân bạch hầu.


Qua việc khoanh vùng ổ dịch và tiến hành xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu tại Tây Nguyên cho thấy, gần một nửa số trường hợp dương tính với vi khuẩn đều không có bất cứ triệu chứng, biểu hiện gì của bệnh bạch hầu. Những trường hợp này được gọi là người lành mang trùng và có thể làm lây lan ra cộng đồng nếu không được phát hiện, cách ly kịp thời.

 

Trong khi đó, cơ chế của vaccine không tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu mà là sinh ra kháng thể để ngăn chặn độc tố do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Do đó, kể cả những người đã tiêm vaccine vẫn có thể có vi khuẩn bạch hầu trong người và vẫn có thể truyền bệnh cho người khác thông qua đường hô hấp. Thậm chí, nếu không tiêm đủ mũi vaccine, cơ thể không đủ kháng thể thì vẫn bị độc tố của vi khuẩn bạch hầu tấn công. Diễn biến của dịch bệnh bạch hầu tại Tây Nguyên với gần 50% người lành mang trùng đang khiến nhiều người dân tại đây lo lắng:

 

Người lành mang trùng có thể lây truyền vi khuẩn bạch hầu cho bất kỳ ai. Trong vùng dịch ở Tây Nguyên, các trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu không chỉ có trẻ em mà nhiều người lớn cũng mắc bệnh, trong đó có bệnh nhân gần 60 tuổi. Để dập tắt các ổ dịch bạch hầu đang bùng phát, các đoàn công tác của Bộ Y tế đã về địa phương hướng dẫn triển khai những biện pháp khẩn cấp. Nếu phát hiện nơi nào có ca bệnh bạch hầu thì ngay lập tức điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho tất cả người dân trên địa bàn đó.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bạch hầu khác với nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác là đã có thuốc kháng sinh đặc trị. Ngoài việc khoanh vùng, cách ly, cần phát hiện, điều trị sớm ca bệnh và điều trị dự phòng cho người nghi nhiễm.

 

“Người lành mang trùng là nguồn lây nhiễm chủ yếu. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho những trường hợp mắc bệnh bạch hầu không chỉ giảm nguy cơ gây biến chứng mà còn ngăn ngừa được nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng. Nếu đã uống thuốc dự phòng thì sau 48h là chặn được nguồn lây nhiễm cho người khác”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho hay.

 

Điều trị sớm ca bệnh và chỉ định uống thuốc dự phòng đối với người nghi nhiễm mới chỉ là giải pháp trước mắt để dập tắt các ổ dịch. Về lâu dài, vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ngành y tế vừa phát động một chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu quy mô lớn chưa từng có tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum và Đắk Lắk. Hơn 10 triệu liều vaccine đã được chuẩn bị để tiêm phòng cho gần 5 triệu người dân 4 tỉnh vừa nêu. Tuy nhiên, việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chiến dịch này không phải là điều dễ dàng. Thời gian qua có tình trạng người dân, nhất là những người lành mang trùng cho rằng, bản thân không có bệnh nên không uống thuốc dự phòng cũng như không tiêm vaccine.

 

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: “Ví dụ như ở Sa Thầy (Kon Tum) đã có những sáng tạo trong vận động nhân dân như, tổ chức các nhóm vận động, 3 người, gồm trưởng thôn, 1 đảng viên và 1 cán bộ trong đoàn thể, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà và người dân uống thuốc trước mặt cán bộ. Hoặc ở Đắk Nông, mang thuốc đến tận khu cách ly cho người dân uống. Tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn, nhiều người dân không có mặt nhà vì đi làm rẫy; một số nơi đã huy động các đoàn thể, già làng, trưởng bản, linh mục gọi họ về. Giải pháp vận động này sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm chủng lần này”.

 

Dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại khu vực Tây Nguyên với 90% số ca mắc là người dân tộc thiểu số. Điều đáng nói là trong khi Covid-19 (dịch bệnh nguy hiểm nhóm A) ở nước ta chưa có ca bệnh nào tử vong, nhưng với dịch bệnh bạch hầu, đến ngày 10/7 đã cướp đi sinh mạng của 3 người ở khu vực Tây Nguyên. Thực tế này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để thực hiện cho được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: dập tắt dịch bạch hầu trong thời gian nhanh nhất và đảm bảo tính bền vững./.

 

Theo VOV.VN