Banner

Quyết liệt xử lý nạn tin giả về dịch nCoV

Bên cạnh các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang mạnh tay xử lý tin giả, tin đồn gây hoang mang, mất lòng tin của xã hội.

 

Lực lượng Công an xử lý nhiều trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV


Ngay tại lục địa Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin sai lệch gây hoang mang cho người dân. Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) cùng các cơ quan quản lý Internet tại nhiều địa phương của Trung Quốc đã xử phạt nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội và ứng dụng di động đăng các nội dung sai lệch về dịch bệnh.

 

Tại Thái Lan, ngày 6/2 đã thành lập Trung tâm Chống tin giả để phối hợp với cảnh sát phát hiện, truy tìm, bắt giữ các đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác về dịch nCoV.

 

Trước đó, Malaysia cũng bắt giữ một nghi phạm và truy lùng ba nghi phạm khác tung tin giả trên mạng xã hội về số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus Corona. Nếu bị tuyên có tội, người này có thể phải trả mức tiền phạt tương đương 284 triệu đồng và bị phạt tù một năm.

 

Ngày 30/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định chính phủ nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus Corona, đồng thời cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay đối với hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh...

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các hãng công nghệ cũng ra tuyên bố loại bỏ các thông tin sai lệch. Mới đây, WHO đã phối hợp cùng Google để thêm tính năng SOS để loại bỏ thông tin sai lệch. Theo đó, khi tìm kiếm Google với từ khoá coronavirus, người dùng sẽ nhận được cảnh báo SOS và kết quả tìm kiếm đầu tiên là từ website của WHO. 

 

Đồng thời, các mạng xã hội lớn trên thế giới cũng công bố các biện pháp chống tin tức giả mạo liên quan đến virus corona. Facebook cho biết mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã quyết định cấm đăng tải mọi thông tin sai lệch về virus corona cũng như dịch nCoV, để hạn chế tối đa việc phát tán những thông tin độc hại đồng thời vẫn duy trì những thông tin chính thống. Mạng xã hộiTwitter cũng khẳng định họ đang nỗ lực để “trả về những kết quả uy tín nhất về virus corona cho những người tìm kiếm thông tin về loại virus chết người này”.

 

Tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt để xử lý các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến ngày 5/2/2020, công an các địa phương đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết, gỡ bỏ thông tin sai. Ngoài ra, công an đang tiếp tục làm rõ với 41 trường hợp không hợp tác để củng cố tài liệu, xử lý hình sự khi đủ điều kiện. 

 

Hàng trăm các đối tượng đã bị các lực lượng chức năng triệu tập, xử phạt hành chính do hành vi lợi dụng dịch bệnh để công kích, bêu xấu các tổ chức, cá nhân; hoặc kêu gọi, kích động công nhân nghỉ việc, đình công; phục vụ mục đích câu like để bán hàng online...

 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định: Cơ quan chức năng không chờ đến khi phát hiện người dân trong nước tung tin giả mới xử lý, đã chủ động đề nghị Facebook gỡ bỏ những tin giả từ cá nhân ở nước ngoài. Không chỉ gỡ tin giả, Facebook còn hỗ trợ Việt Nam đăng thông tin chính thức. Nếu người sử dụng tìm từ khóa virus Corona trên Facebook sẽ hiện ra thông tin mới nhất và từ khóa chỉ về trang thông tin chính thức của Bộ Y tế.

 

Nhiều công ty công nghệ của Việt Nam đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp thông tin về dịch nCoV trực tiếp đến người dân, góp phần hạn chế nạn tin giả tràn lan gây hoang mang cho người dùng.

 

Các tập đoàn viễn thông, nhà mạng đã chủ động nhắn tin tuyên truyền về phòng chống dịch đến từng thuê bao di động; miễn cước cho thuê bao gọi tới đường dây nóng phòng chống dịch 19003228 của Bộ Y tế; miễn cước phí data cho các thuê bao truy cập vào cổng thông tin điện tử Bộ Y tế; sản xuất video clip, phim ngắn, thông tin dưới dạng đồ họa để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam.

 

Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số đã đăng tải các thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng; bổ sung các tiện ích, tính năng hỗ trợ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin, hỏi đáp, tư vấn... trên các nền tảng ứng dụng để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về phòng chống dịch bệnh. Một số doanh nghiệp công nghệ đã tham gia hỗ trợ Bộ Y tế trong việc xây dựng, nâng cấp trang thông tin chính thống www.moh.gov.vn để tạo điều kiện cho người dân sử dụng dễ dàng. 

 

Theo Chinhphu.vn