Banner

(TTV) Lâm Bình: Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Chiều ngày 3/9, UBND huyện Lâm Bình tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Các đại biểu dự hội nghị.

 

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.


Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, Huyện đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo để đạt mục tiêu đề ra. Các phong trào thi đua, cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả. Hiện nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Lâm, Khuôn Hà và Lang Can); Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Tổng huy động chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 được gần 1.000 tỷ đồng; Trong đó doanh nghiệp đóng góp trên 15 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 22 tỷ đồng.


Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận của các đại biểu trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả trong phong trào thi đua “Tuyên Quang chung  sức xây dựng nông thôn mới” như: Vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng kho học kỹ thuật vào sản xuất, đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm nhà văn hóa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa.

 

 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh: Kết quả qua 10 năm xây dựng nông thôn mới là sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Lâm Bình. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị được nâng lên, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 


Đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lâm Bình tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên phát triển cây dược liệu, chè đặc sản, chăn nuôi gia súc, thủy sản, cây lâm nghiệp và thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm./.

 

 Đỗ Bình – Quang Thành