Banner

Đa dạng giải pháp nâng tầm

08:56, 17/03/2023

Cuối tháng trước, thông qua cầu nối là Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), đội tuyển bóng bàn trẻ thành phố Busan (Hàn Quốc) đã có chuyến thi đấu giao hữu với các cấp độ đội tuyển Việt Nam, các câu lạc bộ trẻ. Đó là một trong những sự kiện đáng lưu ý, cho thấy hướng đi mới về giải pháp nâng tầm bóng bàn Việt Nam.

Đội tuyển bóng bàn trẻ Busan (Hàn Quốc) tại buổi thi đấu giao hữu với đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Chiến

 

Mở thêm lối đi

 

Nhiều năm qua, làng bóng bàn Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là địa điểm tập huấn lý tưởng bởi việc di chuyển, chi phí ăn ở, thuê địa điểm tập huấn và “quân xanh” phù hợp với nguồn lực của các đội tuyển, câu lạc bộ của Việt Nam. Ngoài một số địa phương như Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh..., Tổng cục TDTT cũng thường xuyên coi Trung Quốc là lựa chọn đầu tiên khi đưa đội tuyển đi tập huấn ở nước ngoài. Chẳng hạn, vào tháng 4 tới, để chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển bóng bàn quốc gia sẽ tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc).

 

Dù vậy, dịch Covid-19 đã đặt ra một tình huống khác khi các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc dẫn đến việc nhiều đội tuyển thể thao, trong đó có bóng bàn, không thể đến Trung Quốc tập huấn như kế hoạch. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đa dạng hóa địa điểm tập huấn quốc tế thay vì “đóng đinh” một phương án. Đồng thời, chúng ta cũng cần tính đến việc đón các đội tuyển nước ngoài đến tập huấn tại Việt Nam để tạo điều kiện cọ xát cho các vận động viên (VĐV) Việt Nam.

 

Với bóng bàn Việt Nam trong khoảng 3 năm qua, việc tập huấn ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Đội tuyển bóng bàn quốc gia chỉ thực hiện được một chuyến tập huấn ở Hungary thông qua mối quan hệ giữa Ủy ban Olympic của hai nước. Tương tự, đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam cũng chỉ thực hiện được một chuyến thi đấu quốc tế ngắn ngày tại Hungary vào tháng 11-2022. Cũng chính từ chuyến đi Hungary, với sự kết nối của đại diện Tổng cục Thể dục thể thao, đội tuyển bóng bàn thành phố Busan (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề đến du đấu tại Việt Nam. Nhờ đó, các VĐV trẻ bóng bàn Việt Nam, đặc biệt ở đội tuyển trẻ quốc gia có cơ hội thi đấu liên tục trong gần một tuần với các tay vợt cùng trang lứa đến từ nền bóng bàn hàng đầu thế giới.

 

Kết thúc chuyến thi đấu của đội trẻ Busan, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn nhận định, các tay vợt trẻ của Hàn Quốc đã giúp các VĐV Việt Nam có thêm cơ hội cọ xát, nâng trình độ thay vì Nhà nước, gia đình phải chi cả trăm triệu đồng để họ đi tập huấn ở Hàn Quốc.

 

Cần thêm nguồn lực hỗ trợ

 

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là địa điểm tập huấn quốc tế được ưu tiên của bóng bàn Việt Nam. Ngoài đội tuyển quốc gia đi tập huấn vào tháng 4 tới, đội Hà Nội cũng đang lên kế hoạch cho một số tay vợt trẻ đi tập huấn dài hạn tại đây bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhưng, như đã nói, chúng ta vẫn cần tính đến các phương án khác. Về mặt này, thông tin tích cực đã đến với bóng bàn Việt Nam, chẳng hạn như lãnh đội Busan sẵn sàng mời đội trẻ Việt Nam đến thi đấu giao hữu trong thời gian ngắn tại Hàn Quốc. Trong đó, phía Việt Nam chỉ lo kinh phí di chuyển tới Busan, còn sau đó phía bạn sẽ hỗ trợ tối đa.

 

Không chỉ có địa điểm tập huấn ở Hàn Quốc, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng mới thông báo về khả năng đội tuyển bóng bàn quốc gia tập huấn tại Mỹ trong vòng 1 tháng theo phương án xã hội hóa, dự kiến sau khi SEA Games 32 kết thúc. Bên cạnh đó là phương án tập huấn tại Hungary, quốc gia có các tay vợt trẻ với trình độ tốt hơn hẳn so với các tay vợt Việt Nam...

 

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục thể thao) Ngô Ích Quân nhận định, giải pháp đưa các tay vợt trẻ Việt Nam tập huấn dài hạn ở Hungary là hoàn toàn khả thi khi Ủy ban Olympic hai nước có mối quan hệ tốt, cộng đồng người Việt tại đây luôn sẵn sàng hỗ trợ các VĐV Việt Nam. Quan trọng là nguồn kinh phí từ Nhà nước, đơn vị chủ quản của VĐV, gia đình VĐV và các nguồn khác sẽ được thu xếp như thế nào để tạo nên chuyến tập huấn có thời gian đủ giúp VĐV nâng tầm. Còn theo HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà, với điều kiện kinh phí hiện tại, phương án chọn đưa một số ít VĐV đi tập huấn tại Hungary là khả thi.

 

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn nhìn nhận, Liên đoàn cũng sẽ chú trọng hơn về mảng quan hệ quốc tế, kêu gọi tài trợ để mang đến cơ hội thi đấu cọ xát nhiều hơn cho VĐV Việt Nam thông qua các chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài hoặc mời các đội tuyển chất lượng của nước khác đến Việt Nam thi đấu.

 

Thực tế, những điều nói trên không chỉ là câu chuyện của riêng bóng bàn mà là giải pháp có thể nghiên cứu áp dụng với nhiều bộ môn, đội tuyển khác. Nói một cách khác, chúng ta cần chủ động tìm phương án khả thi thay vì ngồi đợi cơ hội tới.

 

Theo Báo Hànộimới