Banner

Dành trọn tâm huyết gìn giữ ‘hồn’ âm thanh dân tộc

09:18, 22/01/2023
Thủ đô Hà Nội-nơi có nhiều làng nghề truyền thống, mỗi làng nghề đều mang một nét đặc trưng riêng và khi nhắc đến nghề làm đàn nổi tiếng thì không thể không nhắc đến làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - nơi đây đã và đang sản sinh hàng triệu cây đàn truyền thống dân tộc.

 

Nghệ nhân Đào Anh Tuấn bên nhạc cụ do gia đình sản xuất. Ảnh: VGP/GN

 

Ở tuổi gần 60, sinh ra trong làng nghề, gia đình có 4 đời gắn bó với nghề làm nhạc cụ dân tộc truyền thống, ông Đào Anh Tuấn-người cuối cùng theo, giữ nghề tại làng nhạc cụ Đào Xá chia sẻ, lớn lên bên những cây đàn của cha, lẽ thường phải theo nghề. Nhưng ông lại chọn con đường khác để lập nghiệp. Lúc đó cha thì vẫn cứ kỳ cạch trong xưởng gỗ, ngày ngày vẫn cứ "tịch, tang" thẩm âm. Còn người con trai thì vẫn cứ bình thản với công việc của mình.

 

"Tôi theo nghiệp làm đàn muộn. Cũng bởi mình chưa hiểu đàn. Nhưng tôi thấy cha tôi say mê quá. Đến khi cụ ngoài 70 tuổi, ngay cả lúc trái gió trở trời vẫn cứ cặm cụi bào, đục làm đàn. Tôi thương cụ. Dần dần, khi nghe tiếng đàn, khi được những người nghệ sĩ, nghệ nhân chia sẻ về âm nhạc, về tiếng đàn, tôi mới cảm nhận được cái đẹp của nghề làm đàn, thế rồi tôi mới quay lại với nghề. Tôi học nghề từ chính cha tôi", ông Đào Anh Tuấn chia sẻ.

 

Chia sẻ về câu chuyện lịch sử của làng nghề làm đàn Đào Xá, ông Tuấn cho biết, cách đây 200 năm, cụ Đào Xuân Lan hành hương sang phương Bắc rồi học được bí quyết và mang nghề về làng. Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó nghề làm đàn trở thành nghề truyền thống của Đào Xá, chế tác nhạc cụ cổ truyền trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng.

 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn Đào Xá cũng giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra nức tiếng gần xa. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp.

 

Khi đó, những nghệ nhân của làng bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc. Phải đến đầu những năm 1990, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hoá truyền thống của Đảng và Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá mới có bước chuyển mình.

 

 

Những nhạc cụ mang "hồn" dân tộc. Ảnh: VGP/GN

 

Theo ông Tuấn, nghề nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Từ xưa đến nay để có thể theo nghề phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện. Tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống.

 

"Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. Ngày nay người thợ nhàn hơn vì một số công đoạn có máy hỗ trợ, việc chỉnh âm cũng đã có máy chỉnh. Nhưng cơ bản, người thợ vấn phải biết căn chỉnh phím, biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất", ông Tuấn nói.

 

Sản phẩm đàn của ông Tuấn làm ra cũng vô cùng đa dạng từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. "Những ai đã theo nghề này thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. Điều đặc biệt, người làm nghề có thể không có kiến thức về âm nhạc nhưng nhạc cụ họ làm ra có âm thanh rất chính xác", ông Tuấn tự hào nói.

 

Theo ông Tuấn, gia đình ông làm hơn chục loại đàn, tất cả đều là đàn truyền thống, bộ dây. Mỗi loại lại có những kỹ thuật khác nhau. Thùng đàn chỉ dày, mỏng hơn nhau một chút xíu, non tay đục, già tay bào là đem đến những kết quả khác nhau. Cây đàn là phương tiện để người nghệ sĩ thể hiện tài hoa, tâm tư, tình cảm. Một cây đàn tốt, sẽ là "trợ thủ" đắc lực cho người nghệ sĩ truyền tải những cái hay, cái đẹp đến công chúng.

 

Bởi thế, một cách tự nhiên, phải hiểu thêm về âm nhạc, hiểu thêm về nhu cầu của từng người chơi nhạc cụ. Có lẽ ông cũng được thừa hưởng khả năng "thẩm âm" của người cha nên dù không học hành về nhạc lý, ông cũng biết chính xác âm thanh một cây đàn sẽ như thế nào, ngay từ khi hoàn thiện, chứ chưa cần đến lúc so dây, chơi thử.

 

Thực tế bây giờ dù là đất làng nghề nhưng thanh niên Đào Xá lại không mấy ai yêu thích nghề làm đàn. Do thời gian học làm đàn kéo dài hằng năm trời, lại gò bó bởi các đòi hỏi kỹ thuật, đến khi thạo nghề lại khó kiếm sống bằng nghề. Đến khi người học thành nghề thì việc kiếm sống bằng nghề cũng không dễ.

 

"Để học được nghề, hiểu và thuần thục các kỹ thuật cũng phải mất đến 2 năm. Không những vậy, nghề này còn đòi hỏi sự khéo tay, khả năng thẩm âm nên rất ít người theo được. Đây không chỉ đơn thuần là một nghề mà hơn thế còn là nét văn hóa đặc trưng lâu đời của quê hương. Tôi vẫn luôn hi vọng sẽ tìm và truyền lại được nghề cho thế hệ sau", ông Tuấn bộc bạch.

 

Đối với những người trong làng, nghề làm đàn không chỉ là kế sinh nhai mà còn là một nét văn hóa đặc trưng nối tiếp truyền thống quý báu của cha ông để lại. Giữa những âm thanh ồn ào sôi động của xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, bằng sự đam mê và tâm huyết, những người nghệ nhân vẫn đang "giữ lửa", góp phần gìn giữ bảo tồn nét tinh hoa của nghề truyền thống dân tộc.

 

 

Theo Chinhphu.vn