Banner

Chăm chút cho những ''bóng hồng''

Cho đến nay, dấu ấn của các vận động viên (VĐV) nữ đối với thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng rõ. Dự thảo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành và đang xin ý kiến UBND các tỉnh, thành cũng đề cập đến vấn đề này.

Đội tuyển rowing nữ Việt Nam giành Huy chương vàng tại ASIAD năm 2018.

Ảnh: Minh Chiến

 

Đóng góp đáng kể

 

Kể từ khi thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 đến nay, các VĐV nữ đã có đóng góp rất quan trọng vào thành tích chung của thể thao Việt Nam. Nếu đấu trường Olympic mang nặng dấu ấn VĐV nam với tấm Huy chương Vàng (HCV) và Huy chương Bạc của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) vào năm 2016 thì đấu trường ASIAD mang đậm dấu ấn của các VĐV nữ. Tại ASIAD năm 2010 và 2014, thể thao Việt Nam đều chỉ giành được 1 HCV và chủ nhân đều là VĐV nữ: Lê Bích Phương (karatedo, năm 2010) và Dương Thúy Vi (wushu, năm 2014). Đến ASIAD năm 2018, trong 5 HCV của đoàn Việt Nam có đến 3 HCV thuộc về các VĐV nữ là Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Quách Thị Lan (400m rào) - môn điền kinh; đội rowing nữ thuyền 4.

 

Trong một lần trao đổi với báo chí, khi nhìn lại hành trình của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) nhận định, việc các VĐV nữ đặt dấu ấn tại các đấu trường quốc tế, trong đó rõ nhất là ở ASIAD, cho thấy vai trò quan trọng của phái nữ trong hiện tại và tương lai.

 

Theo các chuyên gia thể thao, không chỉ VĐV điền kinh, võ thuật, đua thuyền giành HCV ASIAD, vai trò của các VĐV nữ ở nhiều đội tuyển quốc gia khác cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị thế của môn đó. Rõ nhất là ở môn vật, nơi các đô vật nữ luôn được kỳ vọng mỗi khi bước ra sân chơi châu lục và thế giới. Thực tế, nếu được đầu tư tốt hơn, có cơ hội thi đấu quốc tế nhiều hơn thay vì 1 - 2 giải trong một năm, vật nữ sẽ còn mang về nhiều thành công hơn.

 

Thể thao Hà Nội trong những kỳ ASIAD gần đây cũng “nở mày nở mặt” nhờ dàn VĐV nữ. Dương Thúy Vi là VĐV đầu tiên của Hà Nội giành HCV ASIAD, còn Bùi Thị Thu Thảo là VĐV Hà Nội đầu tiên trong nhóm môn Olympic lên ngôi vô địch ASIAD. Điều đó chứng tỏ chiến lược phát triển mà thể thao Hà Nội theo đuổi, lấy VĐV nữ làm chủ công, đã phát huy tác dụng. Ngay trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 vừa qua, thể thao Hà Nội đóng góp 4 VĐV, trong đó có 3 VĐV nữ là Lường Thị Thảo (rowing), Nguyễn Thị Tâm (boxing), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng, các VĐV nữ đã đóng góp đáng kể vào thành tích của thể thao Hà Nội.

 

Đầu tư tốt - hái quả ngọt

 

Trong dự thảo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 2/7 môn nhóm 1 (các môn được đầu tư, chuẩn bị cho Olympic) được đề cập rõ là đầu tư vào nội dung nữ, gồm điền kinh, bơi. Trong 5 môn còn lại thì 3 môn (bắn súng, bắn cung, cử tạ) dù được đề cập chung chung nhưng theo các chuyên gia, vẫn sẽ có vai trò đáng kể của các VĐV nữ. Bởi hiện tại, các môn này đều đang sở hữu nhiều VĐV nữ trẻ giàu tiềm năng. Trong số này, các VĐV nữ ở môn cử tạ được xem là có khả năng đóng góp huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam. Ngay tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua, hy vọng duy nhất trong việc giành huy chương của thể thao Việt Nam được đặt vào Hoàng Thị Duyên (cử tạ). Tới Olympic Paris năm 2024, hy vọng đó vẫn sẽ được trao cho Hoàng Thị Duyên. Theo ông Đỗ Đình Kháng, Tổng Thư ký Liên đoàn Thể hình - Cử tạ Việt Nam, thành tích của cử tạ Việt Nam tại đấu trường quốc tế trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các đô cử nữ.

 

Ngay trong những môn nhóm 2 mà dự thảo đề cập, cũng có nhiều môn mà các VĐV nữ đang đóng vai trò chủ công trong việc giành huy chương quốc tế, đặc biệt là tại ASIAD, như vật, rowing, karatedo, taekwondo, wushu, xe đạp, kurash...

 

Trong khi đó, ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng cho hay, các VĐV nữ sẽ đóng vai trò đáng kể cho thể thao Hà Nội trong việc hướng tới sân chơi Olympic và ASIAD. Vì vậy, trong kế hoạch chuẩn bị hằng năm, thể thao Hà Nội sẽ lưu ý vấn đề này.

 

Tất nhiên, để các VĐV nữ có thể khẳng định được vị thế, giúp thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ giành huy chương ở các sân chơi quan trọng như Olympic, ASIAD, ngành Thể thao cần tăng cường đầu tư để họ có điều kiện tập luyện, được chăm sóc tốt... cũng như được tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục. Nếu tài năng thể thao không được đầu tư đến nơi đến chốn thì đó cũng là sự lãng phí.

 

Theo Báo Hànộimới