Banner

Từ ''điểm nhấn'' mang tên Covid-19

Mùa giải V.League 2020 đã khép lại với chức vô địch lần đầu tiên của Câu lạc bộ (CLB) Viettel. Hà Nội FC về nhì, coi như thất bại khi không thể thực hiện mục tiêu lần thứ 3 liên tiếp giành ngôi vô địch V.League. Đó là hai điều đáng kể trong mùa giải này.

Tuy vậy, nếu cần phải chỉ ra điểm nhấn quan trọng nhất của V.League 2020, có lẽ nhiều người sẽ “gọi tên” dịch Covid-19. Đại dịch khiến bóng đá thế giới chao đảo, bóng đá Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. V.League 2020 có một khoảng thời gian khá dài phải tạm hoãn, thể thức phân định thứ hạng của những CLB dẫn đầu buộc phải thay đổi khiến kế hoạch huấn luyện, thi đấu và nhiều điều khác phải thay đổi theo. Đó là chưa kể các đội tuyển quốc gia “vỡ” kế hoạch tập huấn, thi đấu do các giải đấu quốc tế bị hủy bỏ hoặc tạm hoãn...

 

Tác động của dịch Covid-19 đối với bóng đá thế giới cũng như Việt Nam là rất lớn, đại dịch gây tổn thất nhưng cũng cho những người hoạch định chính sách phát triển bóng đá cũng như nhà quản lý các CLB bài học kinh nghiệm quý giá. Bài học đó, không có gì khác hơn là tầm nhìn xa, tính chủ động, khả năng dự báo trong xây dựng kế hoạch năm cũng như dự liệu những điều cần có để kế hoạch đó được triển khai suôn sẻ ngay cả khi có bất trắc lớn.

 

Một đội tuyển quốc gia cũng như lứa U23, U19 không có cơ hội tham dự các giải đấu chính thức của AFF, AFC, FIFA, cũng không thể tìm “quân xanh” qua các trận giao hữu quốc tế thì cần có cách tập trung, huấn luyện, thi đấu cọ xát ở trong nước ra sao, với đội nào và vào thời gian nào. Các CLB sẽ làm gì khi giải đấu trong nước phải tạm hoãn; chế độ dinh dưỡng, cách quản lý, huấn luyện, tạo điều kiện giúp cầu thủ giữ phong độ thế nào...

 

Những vướng mắc được dự báo, nhận diện từ sớm sẽ giúp mọi việc không bị động, để khi mọi việc qua đi, sự quay trở lại với thế giới bóng đá của các CLB và cầu thủ diễn ra thuận lợi hơn, không còn phải đối diện với khả năng có CLB nào đó nghĩ tới việc bỏ giải, cầu thủ xuống phong độ hoặc không đủ thể lực.

 

Dịch Covid-19 đã được khống chế tốt tại Việt Nam, nhưng không thể loại trừ khả năng đại dịch quay trở lại hoặc một căn bệnh mới nổi khác xâm nhập, gây họa. Tính trước khả năng xấu để có phương án dự phòng là cách đối phó hiệu quả.

 

Theo Báo Hànộimới