Banner

“Kiến trúc sư” bóng đá

Không hẹn mà nên, ngày 8 và 9-10, Câu lạc bộ bóng đá Viettel và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần lượt ra mắt tân Giám đốc kỹ thuật - chức danh phổ biến trong làng bóng đá thế giới nhưng chưa được chú ý đúng mức ở Việt Nam.

Chuyên gia bóng đá người Đức J. Gede từng là Giám đốc kỹ thuật VFF từ năm 2016 đến giữa năm 2020, nay trở thành Giám đốc kỹ thuật Câu lạc bộ Viettel. Còn Y. Adachi, chuyên gia bóng đá người Nhật Bản nhận nhiệm vụ Giám đốc kỹ thuật VFF.

 

Ông Juergen Gede đã để lại những dấu ấn tốt đẹp với bóng đá Việt Nam.
Ảnh: TTXVN

 

Trước đó, vào cuối năm 2019, đội bóng Hà Nội FC từng “ướm” một chuyên gia nước ngoài vào vị trí Giám đốc kỹ thuật nhưng rồi việc đã không thành, có lẽ nguyên nhân nằm ở cả hai phía...

 

Những sự kiện nói trên cho thấy, vị trí Giám đốc kỹ thuật dần trở nên quen thuộc với bóng đá Việt Nam. Đó là điều đáng mừng, bởi với sự có mặt thường xuyên của một Giám đốc kỹ thuật ở câu lạc bộ hay VFF, ít nhiều đội bóng hoặc nền bóng đá sẽ phát triển có định hướng rõ hơn, nền móng vững vàng hơn nhờ tuyến trẻ được gây dựng một cách bài bản, các huấn luyện viên nhận được sự hỗ trợ tốt hơn. Đó là chưa kể các giám đốc kỹ thuật đến từ các quốc gia có nền bóng đá phát triển sẽ đem kinh nghiệm mà họ thu nhận được hỗ trợ bóng đá Việt Nam phát triển.

 

Tuy nhiên, cái mới không dễ mang lại hiệu quả ngay. Với J. Gede, người đã lăn lộn ở vị trí Giám đốc kỹ thuật VFF gần 4 năm, những gì đã qua cho thấy ảnh hưởng của ông đối với bóng đá Việt Nam chưa thật sự rõ ràng dù ông góp phần đáng kể vào việc đưa các cầu thủ trẻ Việt Nam giành vé dự Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U20 thế giới năm 2017. Những sự vụ cụ thể lấy đi thời gian cần thiết cho việc hoạch định chiến lược và triển khai kế hoạch mang tính dài hơi.

 

Sau R. Willfeld, Giám đốc kỹ thuật VFF giai đoạn 2000 - 2004, J.Gede (2016 - 2020), giờ đây VFF lại có Giám đốc kỹ thuật mới. Y. Adachi sẽ làm tốt hơn những người tiền nhiệm hay không, có vạch ra và theo đuổi một kế hoạch dài hạn được hay không, điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các bên cần xác định rõ: Y. Adachi cần tập trung cho nhiệm vụ chính. Ông là “kiến trúc sư” của nền bóng đá, người kiến thiết, tạo bản sắc, hướng tới mục tiêu dài hạn chứ không phải tham gia vào 1 - 2 giải đấu.

 

Theo  Báo Hànộimới