Banner

Thể thao tiếp tục gồng mình vượt dịch Covid-19

Sau khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại tại nước ta vào cuối tháng 7-2020, hàng loạt giải đấu thể thao phải tạm dừng. Đây là điều không ai mong muốn, song sự an toàn của bản thân các vận động viên và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam tiếp tục phải gồng mình để vượt qua dịch Covid-19, chờ thời cơ trở lại mạnh mẽ.
Một trận đấu nội bộ của đội tuyển bóng đá U22 quốc gia Việt Nam.
Ảnh: Đình Tú

 

Hàng loạt giải đấu phải tạm dừng

 

Ngay sau khi Việt Nam có ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày không có ca mắc, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã ban hành văn bản quyết định hoãn, lùi thời gian tổ chức rất nhiều giải đấu thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia. Cùng với đó, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ vận động viên, huấn luyện viên và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. 

 

Theo Tổng cục Thể dục - Thể thao, khoảng thời gian từ tháng 8 đến cuối năm 2020, các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia diễn ra liên tục. Do dịch Covid-19, chỉ riêng tháng 8 có 28 giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia phải tạm hoãn. Ngoài bóng đá, các môn thể thao khác như: Bóng rổ, điền kinh, bóng chuyền, thể hình, karatedo, bóng bàn… cũng phải ngừng tổ chức thi đấu.

 

Đáng chú ý, vòng chung kết Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2020 dự kiến diễn ra tại Cung thể thao Tiên Sơn (thành phố Đà Nẵng) vào đầu tháng 9 đã phải hoãn do Đà Nẵng đang là tâm dịch và Cung thể thao Tiên Sơn được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

 

Còn theo Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Liên đoàn đã phải thông báo hoãn tổ chức Giải vô địch Điền kinh trẻ và lứa tuổi trẻ quốc gia 2020, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 tại Tây Ninh. Cùng với đó, Giải vô địch Điền kinh quốc gia 2020 cũng không diễn ra vào tháng 9 như dự kiến và lùi xuống quý IV năm nay tại Hà Nội.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, việc ngừng tổ chức các giải đấu là điều bất đắc dĩ. Tất cả đều hiểu được tâm trạng, khát khao thi đấu của các vận động viên, song lúc này cần bảo vệ vận động viên, cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19.

 

Kiên nhẫn chờ thời cơ

 

Việc các giải đấu bị tạm dừng, phải tập luyện "chay", không thi đấu, chắc chắn gây không ít khó khăn cho vận động viên trong việc duy trì phong độ, nâng cao thành tích.

 

Các đội tuyển đã vượt khó trong mùa dịch bằng nhiều phương án. Không thể trực tiếp nhận sự huấn luyện của các chuyên gia (do chưa sang được Việt Nam vì dịch Covid-19), các vận động viên đã lựa chọn việc tiếp thu bài giảng và thực hiện các yêu cầu của chuyên gia qua internet. Một số đội tuyển đã tập trung đông hơn để có nhiều phương án tập luyện cũng như tổ chức thi đấu nội bộ, tăng tính cạnh tranh. Điển hình như đội tuyển bóng đá U22 quốc gia, huấn luyện viên Park Hang-seo đã triệu tập tới 47 cầu thủ để có thể chia được thành nhiều đội tập luyện, tổ chức thi đấu nội bộ.

 

Trong khi đó, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết, để tạo động lực và kiểm tra thể lực cho các vận động viên, Ban huấn luyện tổ nhảy xa đã tổ chức thi đấu nội bộ để tạo không khí như một buổi thi đấu thật. “Chúng tôi có quy chế thưởng, phạt rõ ràng cho các vận động viên để tạo sự cạnh tranh ngay trong nội bộ”, ông Nguyễn Mạnh Hiếu nói.

 

Vận động viên nhảy xa thuộc đội tuyển điền kinh quốc gia Vũ Ngọc Hà chia sẻ: “Việc thi đấu nội bộ với quy chế thưởng, phạt nghiêm minh khiến chúng tôi phải sử dụng 100% sức lực. Qua đó, rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, biết được điểm yếu để khắc phục và có thể nâng được thành tích khi các giải đấu quay trở lại”.

 

Cùng với sự nỗ lực tập luyện của các vận động viên, các trung tâm huấn luyện cũng đang cố gắng, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, trung tâm đã siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ở các bộ môn, các khu tập luyện, nơi ăn, nghỉ. “Các giải đấu sẽ còn diễn ra trong tương lai, cơ hội thi đấu còn nhiều - đó là lời động viên mà lãnh đạo các bộ môn dành cho các vận động viên. Từ đó, các vận động viên đều chấp hành tốt hơn quy định phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh”, ông Đào Quốc Thắng cho biết.

 

Còn theo ông Lê Ngọc Tâm, Phòng Quản lý huấn luyện và công tác chính trị, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, để triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả, trung tâm đã bố trí lịch tập cho mỗi đội tuyển vào những khung giờ khác nhau, phù hợp với từng môn, nhằm hạn chế tập trung đông người cùng một lúc.

 

Hy vọng, với sự nỗ lực của các huấn luyện viên, vận động viên, các nhà quản lý trong việc tổ chức tập luyện và phòng, chống dịch bệnh, thể thao Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ, ấn tượng trên các sàn đấu trong nước và quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

 

Theo Báo Hànộimới