Banner

(TTV) Đưa các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào cuộc sống

20:55, 06/12/2022
Tiếp tục chương trình Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị tổ chức, hôm nay (6/12), các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt các chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “ Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tiến hành bế mạc hội nghị.

Tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang, dự hội nghị có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Sáng Vang, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và 138 xã, phường, thị trấn với tổng số trên 15.000 đại biểu.

 

 

Truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Ðảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Nghị quyết 29 về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội. Điểm mới của Nghị quyết là nhận thức rõ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là quá trình bao trùm các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một Quốc gia và đặt ra trong bối cảnh kỷ nguyên số, sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công.


Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. 


Về chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam truyền đạt đề ra 5 định hướng cơ bản trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Theo đó  không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch cần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.


Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Việc học tập Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đảng viên trong việc triển khai thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của các văn kiện để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Ngay sau hội nghị cần tiếp tục quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả tới toàn thể đảng viên. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII phải có lộ trình phù hợp với thực tế, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cần cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành chương trình đề án cụ thể có phân công phân nhiệm rõ ràng. Đảm bảo theo nguyên tắc chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đồng thời phát hiện các mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Sau hội nghị, cần nhanh chóng phát huy sự đồng thuận, đưa nghị quyết vào cuộc sống tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực Nghị quyết, kết luận đề cập./. 

 

 

                                                                      An Thu – Lê Thắng