Banner

(TTV) Giải pháp phát triển sản phẩm Ocop và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

20:51, 12/11/2022
Chiều ngày 12/11, tại thành phố Tuyên Quang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm Ocop và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. 

Dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. 


Dự hội thảo có Ngài John McCullagh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ai-len tại Việt Nam; ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam.

 

 

 

Phát biểu chào mừng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, triển khai chương trình Ocop, tỉnh Tuyên Quang đã có 128 sản phẩm, trong đó hơn 30 sản phẩm Ocop đạt 4 sao. Bước đầu đã có sản phẩm Ocop tiêu biểu gắn với du lịch nông thôn tại huyện Lâm Bình. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có 230 sản phẩm Ocop đạt 3 sao trở lên, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao. Việc phát triển sản phẩm Ocop được tỉnh Tuyên Quang gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. 


Ra đời từ năm 2018, đến nay Chương trình Ocop đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp, được các địa phương chủ động triển khai hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/10/2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước có hơn 8.500 sản phẩm Ocop đạt 3 sao trở lên, trong đó 1/3 đạt sản phẩm 4 sao; gần 4.400 chủ thể Ocop, trong đó hơn 38% là hợp tác xã, 25% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. 


Tham luận của các đại biểu tại hội thảo tập trung vào các giải pháp phát triển sản phẩm Ocop hàng hóa, nâng hạng sao Ocop, nhấn mạnh tính năng động, sáng tạo của các chủ thể; Việc tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; Các giải pháp về chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; Việc tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình Ocop, từ truyền thông, xây dựng hồ sơ, quản lý dữ liệu sản phẩm; Số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm, gắn với giám sát, chứng thực, công tác quản lý nhà nước, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình Ocop.


Cũng tại hội thảo đã công bố “Khởi động hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc”. Một hoạt động do Chính phủ Ai-len hỗ trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) thực hiện trong năm 2022 - 2023. Hoạt động hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường.


Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm phát triển sản phẩm Ocop giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể Ocop; Phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống; Phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa dạng giá trị, gắn với lợi thế và điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm làng nghề truyền thống; Dịch vụ du lịch nông thôn…Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 10.000 sản phẩm Ocop được công nhận 3 sao trở lên.

 

 

                                                Thái Văn – Lưu Khiêm – Sỹ Tùng