Banner

Chỉnh lý, hoàn thiện 4 dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4

08:53, 02/08/2022
Đó là các dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Dân số.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2022.

 

Theo Nghị quyết, Chính phủ tiếp tục coi trọng công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng; yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực cao nhất, quyết tâm thực hiện đúng tiến độ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện nội dung các dự án Luật, tạo sự đồng thuận cao, nâng cao chất lượng dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022.

 

Đồng thời, với việc xây dựng các dự án Luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ động rà soát các quy định pháp luật hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo và không để khoảng trống pháp lý đối với các vấn đề thực tiễn mới phát sinh; sửa đổi, bổ sung các Thông tư thuộc thẩm quyền; tổng hợp kiến nghị của các địa phương về các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm quy trình xây dựng, trình văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về công tác xây dựng thể chế, pháp luật tại Công văn số 301/TTg-PL ngày 6/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.

 

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung các nguồn lực tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật. Trong quá trình thực thi pháp luật, nếu có vướng mắc, bất cập cần kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý.

 

Nội dung các dự án Luật, Đề nghị xây dựng luật được trình tại Phiên họp Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cam kết quốc tế nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong quản lý nhà nước.

 

* Hoàn thiện hồ sơ 4 dự án Luật

 

Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung của dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

 

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

 

Chính phủ cũng thống nhất về mục tiêu, quan điểm xây dựng và nội dung cơ bản của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Luật; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật phòng thủ dân sự.

 

Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).

 

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật liên quan, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, bổ sung các chính sách, giải pháp bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi, không chồng chéo, tránh khoảng trống pháp lý; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số bảo đảm tiến độ và chất lượng, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa Đề nghị xây dựng Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV (trình cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2024 Quốc hội khóa XV). Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Dân số.

 

Theo VTV.VN