Banner

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 28: Cùng 'vạch ra con đường để phục hồi'

08:17, 12/11/2021
Chủ đề của Năm APEC 2021 là “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng”, với 3 ưu tiên…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị không chính thức,

tháng 7/2021 - Nguồn: APEC 2021

 

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 từ ngày 11-12/11 theo hình thức trực tuyến.


Theo đó, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 (12/11), dự Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ngày 11/11) và phát biểu ghi hình trước tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (ngày 11-12/11). Do tình hình dịch bệnh, nước chủ nhà New Zealand tổ chức hội nghị theo hình thức trực tuyến và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự từ đầu cầu Hà Nội. 

 

Chủ đề của Năm APEC 2021 là “Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng”, với 3 ưu tiên, gồm: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại và đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại và kết nối; thứ hai là đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi bao trùm và bền vững, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có người bản địa; và thứ ba là thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng số và bao trùm số, kinh doanh và thương mại được tạo thuận lợi bởi số hóa, cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo.

 

Một trong những trọng tâm hợp tác của Năm APEC 2021 là xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.  

 

Trước mắt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác như: Lập trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính để vượt qua khủng hoảng; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau;…  

 

Trong khuôn khổ Tuần lễ APEC lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham dự của khoảng 4.500 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tiếp đó là Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 có chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, tập trung thảo luận hai nội dung là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch.

 

Các nền kinh tế thành viên của APEC trải dài trên vành đai Thái Bình Dương, chiếm khoảng 38% dân số và hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Ngoài những căng thẳng địa chính trị, dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã làm tăng thêm sự bất ổn ở một khu vực từ lâu được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu.

 

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên sẽ cùng nhau thiết lập lộ trình phục hồi kinh tế, thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời kỳ “hậu COVID-19”. Với vai trò chủ nhà, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, người chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo, sẽ tập trung vào việc “vạch ra con đường để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kéo dài này”.

 

Đáng chú ý, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác, như: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch…

 

Từ khi tham gia APEC (tháng 11/1998), Việt Nam luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, giữ vững vị thế của châu Á-Thái Bình Dương trong kinh tế toàn cầu. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất, nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng… Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả, với chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

 

Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn APEC lần thứ 28 một lần nữa cho thấy, Việt Nam luôn phấn đấu đóng góp hơn nữa vào tương lai chung của cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.

 

Theo Chinhphu.vn