Thứ Tư, 11/09/2024 03:23

[Cập nhật] Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

11/11/2021 - 09:18 | Tin trong nước

Sáng 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai. Ảnh: TTXVN

 

Đúng 8 giờ sáng 11-11, Quốc hội bắt đầu ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai. Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trong buổi sáng hôm nay, 11 ý kiến tranh luận với vị trưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ được đưa ra. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội.

 

Đặt mục tiêu đến năm 2030 có 40-45% lao động có bằng cấp chứng chỉ

 

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã nêu ra trong phiên chất vấn chiều 10-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện phải cùng lúc giải 2 bài toán: Nâng cao chất lượng mặt bằng lực lượng lao động khi 65% lao động đã qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% lao động có chứng chỉ bằng cấp; xu hướng tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi bản chất công việc, dự báo trong 5 năm tới 1/3 công việc sẽ thay đổi, khi đó sẽ có 40% lao động trong nước sẽ khó có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc. “Mục tiêu của chúng ta đặt ra đến hết năm 2025, chúng ta sẽ có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030, phấn đấu sẽ có khoảng 40-45%”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu, sáng 11-11. Ảnh: TTXVN


Về áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ không áp đặt mô hình phòng, chống dịch nào cho địa phương, chỉ đặt ra nguyên tắc “an toàn thì mới sản xuất và sản xuất thì phải bảo đảm an toàn”. Do đó, mô hình này do các địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định trên thực tế phòng, chống dịch. “Mô hình này chỉ phù hợp khi áp dụng trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải bởi chi phí cho mô hình này quá lớn”, Bộ trưởng chia sẻ.

 

Sẽ mở rộng đối tượng và nguồn để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông nghiệp

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN


Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu một số vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hướng sửa đổi trong thời gian tới.

 

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP kết quả hạn chế do đầu tư lĩnh vực nông nghiệp cần diện tích đất đai lớn, trong khi việc tích tụ đất còn nhiều bất cập; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn lợi nhuận lại thấp. Ngoài ra, các chính sách còn chưa phù hợp với thực tế. 

 

Bộ trưởng nêu ví dụ về chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nhà đầu tư, Nghị định 57/2018/NĐ-CP giao các địa phương thực hiện, nhưng do điều kiện khác nhau nên nhiều địa phương chưa bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng dự án. Giai đoạn 2021-2025, cả nước mới có 24 địa phương bố trí vốn hỗ trợ hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với 300 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 

 

Để khắc phục khó khăn, bất cập, Chính phủ đang chỉ đạo điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng và nguồn để hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng nông nghiệp. Việc điều chỉnh đang được lấy ý kiến lần cuối để trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ sớm phê duyệt, làm nền tảng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

 

Cần gói hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN


Tham gia giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập vấn đề người lao động rời thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và làm sao để người lao động quay trở lại cũng như công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Qua đại dịch cho thấy, có nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ như, xây dựng nhà ở cho công nhân, ổn định việc làm, bảo đảm phòng, chống dịch trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn. Phó Thủ tướng cho biết, trong số 1,3 triệu lao động về quê đang làm việc tại các khu công nghiệp lớn, cơ bản các doanh nghiệp vẫn trả 1/3 lương nên nhiều người muốn quay trở lại làm việc, một số khác muốn chuyển đổi công việc. 

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt là phải bảo đảm chống dịch hiệu quả để người lao động yên tâm trở lại làm việc. Vì thế, chúng ta phải có kế hoạch kiểm soát dịch tốt. Cùng với đó, cần sớm mở lại trường học, trong đó có trường mẫu giáo và trường tiểu học để người lao động yên tâm làm việc. Đặc biệt là sự cam kết của các chủ doanh nghiệp khi có dịch xảy ra người lao động vẫn được trả một phần lương. 

 

Phó Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các ca F0, F1 cần có sự linh hoạt với doanh nghiệp và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp là gián tiếp tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc. Về phía chính quyền địa phương, cần có kết nối với người lao động để người lao động trở lại làm việc, bởi theo khảo sát, có khoảng 50% số người đi từ vùng dịch mong muốn quay trở lại nơi làm việc khi dịch được kiểm soát.

 

Nêu thực trạng nhiều nước trong khu vực cũng gặp khó khăn về thị trường lao động do tác động của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các địa phương cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có gói hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. “Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược thu hút người lao động tại các khu công nghiệp mới. Thực tế đã cho thấy, có nhiều khu công nhân quá tải, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, người lao động phải thuê trọ trong điều kiện khó khăn. Vì thế, tới đây chúng ta không chỉ có chương trình về nhà ở mà cần chiến lược thu hút, giữ chân người lao động, qua đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Về vấn đề người dân tự phát đi về quê trong đợt dịch vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng cho các đại biểu và cử tri cả nước để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.

 

Theo Hanoimoi.com.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm