Banner

Đề nghị xem xét quy định của kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng

Các đại biểu cho rằng: dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước cần phải kiểm toán.

Tiếp tục chương trình phiên họp 43, chiều nay (24/3), cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ việc quy định hoạt động kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng, tránh ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Đầu tư theo phương thức
đối tác công tư.

 

Các đại biểu cho rằng: dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bản chất là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư tư nhân.

 

Về vấn đề này Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc kiểm toán là cần thiết và dứt khoát phải làm. Vì tất cả công trình là đối tác công-tư, là tài sản nhà nước. Cho nên việc tham gia kiểm toán bắt buộc. Và chúng ta cũng không thể phân biệt chỗ này kiểm toán, chỗ kia không kiểm toán, kiểm toán chỗ này còn chỗ khác không kiểm toán.

 

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định hoạt động kiểm toán trước khi ký kết hợp đồng. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Quy định kiểm toán, tham gia kiểm toán hồ sơ trước khi ký hợp đồng là quy định mới, quy định này phải xem xét có phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

“Theo điều 32 của Luật Kiểm toán có 3 loại kiểm toán. Cái nào thuộc tài sản công và tài chính công phả  kiểm toán tài chính. Kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Bây giờ đặt ra ngoài 3 nội dung của Luật kiểm toán tôi rất e ngại”, ông Nguyễn văn Giàu nói.

 

 Các ý kiến đề nghị xác định vai trò của kiểm toán độc lập trong dự án PPP; quy định về hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, đây là những công cụ của Nhà nước nhằm kiểm soát, bảo đảm hiệu quả của dự án PPP.

 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cần phải làm rõ những quy trình thủ tục giám sát cộng đồng, tránh ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư.

 

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không phải xem thường vai  trò giám sát cộng đồng nhưng chúng ta phải đặt như nào để phù hợp với tình hình thực tế, chứ không phải quy định trong Luật đẻ ra bao nhiêu trình tự, thủ tục hồ sơ vượt quá năng lực, thẩm quyền và không thực tế.

 

“Đây là dự án Luật rất khó, không đơn giản. Bây giờ nói tới BOT, không có doanh nghiệp nào tha thiết làm BOT, cầu đường. Đẻ ra thêm Luật quy định nhiều cái, chưa làm nhảy vào kiểm toán trước, làm xong kiểm toán lần 2 thì cần xem lại tính khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề: Tại sao có thời gian dài khi đầu tư BOT chỉ tập trung vào vấn đề giao thông, còn các lĩnh khác rất ít, hoặc không thu hút được đầu tư. Vậy dự án luật phải trả lời được câu hỏi đó là có 3 hình thức đầu tư.

 

Cụ thể đó là, Nhà nước, tư nhân và nửa công nửa tư. Theo bà Nga, phải phân tích xem nước ngoài họ có đi theo xu hướng nửa công, nửa tư nhiều không? Vì nghị quyết của Đảng đã xác định cái gì tư nhân làm được thì để họ làm. Còn liên quan đến tài sản công, đầu tư công quản lý rất chặt. Và xem xét cụ thể, cái này hiện nay còn làm nhiều không và ưu Việt hấp dẫn là gì, và xu hướng quốc tế có làm nhiều không?.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, làm rõ chính sách nhà nước đối với dự án PPP, nhất là các dự án ngân sách nhà nước tham gia. Quy định cụ thể quá trình sử dụng, quản lý vốn và thu hồi vốn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, tính toán kiểm toán nhà nước tại thời điểm nào, giai đoạn nào. Vấn đề giám sát cộng đồng cũng tính toán lại vì nếu không cẩn thận sẽ tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết./.

 

Theo VOV.VN