Banner

Đại biểu đánh giá: Tư lệnh ngành Nông nghiệp thẳng thắn, trực diện

Các đại biểu mong muốn Bộ trưởng NN&PTNT tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực.

Chiều 6/11, Quốc hội kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

Trong phiên chất vấn, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 14 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về các vấn đề: Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn
trước Quốc hội.

 

Cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đầu tiên đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã diễn ra sôi nổi. Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rất ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. 

 

Đây là lần thứ hai Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, có số liệu minh chứng cụ thể.

 

“Tư lệnh ngành” nông nghiệp cũng đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có lý giải những nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại bất cập, đồng thời đưa ra giải pháp thực hiện và trách nhiệm của ngành cũng như của Bộ trưởng.  

 

“Các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực đã đạt được của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, sự chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng và mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, trực diện

 

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (đoàn Bến Tre) đánh giá, trưởng ngành Nông nghiệp đã nắm khá chắc lĩnh vực của mình, trả lời khá chặt chẽ, sâu sát vấn đề. Nhất là vấn đề đóng tàu cho ngư dân vươn khơi, trong đó có đóng tàu vỏ thép, Bộ trưởng đã nắm chắc các sự việc cụ thể, số liệu về tàu đóng mới, số tàu còn nằm bờ... Tuy nhiên vẫn có những câu đại biểu phải hỏi thêm, chất vấn lại nhưng về cơ bản phần trả lời đã đáp ứng được những ý chính mà cử tri rất quan tâm.

 

Đại biểu Tạ Văn Hạ.

 

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cũng cho rằng, tư lệnh ngành Nông nghiệp đã “rất thẳng thắn, trực diện, nói rõ vấn đề, đi thẳng vào các vấn đề đại biểu quan tâm”. Ông mong muốn các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần thẳng thắn đó, trả lời trực tiếp các vấn đề đại biểu đặt ra và nêu rõ được nguyên nhân cũng như trách nhiệm của ngành, của trưởng ngành.

 

“Ở đây vai trò của các Bộ trưởng là rất quan trọng và phải nhận trách nhiệm” -  đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ.

 

Cùng chung nhận xét, đại biểu Quàng Văn Hương, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, trong phiên chất vấn sáng nay, ông quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực dân tộc miền núi. Mặc dù thời gian trả lời ngắn, nhưng người đứng đầu ngành đã rất tập trung, nắm chắc tình hình ở địa phương, như tại các tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Sơn La… Phần trả lời của ông cũng đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của các đại biểu, nêu được những dẫn chứng thực tế.

 

Theo đại biểu, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực rất lớn, Bộ trưởng chỉ có 3 phút để trả lời thì khó có thể đáp ứng hết được những thắc mắc, vì vậy có những nội dung Bộ trưởng trả lời còn chung chung, chưa có giải pháp căn cơ để phát triển nông nghiệp miền núi, như về khả năng tái đàn sau dịch tả lợn Châu Phi vì khu vực miền núi bà con rất nghèo, phải vay vốn để sản xuất nên khi có dịch bệnh, họ khó có thể tái đàn nhanh như ở miền xuôi hay các khu vực khác.

 

Đại biểu Lê Công Nhường.

 

Chưa thực sự hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho rằng vấn đề ông chất vấn chưa được trả lời rõ, sau đó Thống đốc NHNN đã trả lời thêm.

 

“Ví dụ các tàu đánh cá đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ chưa có hiệu quả, vì Chính phủ chưa cảnh báo được nguồn lợi thủy sản có đáp ứng được công suất hay không. Tàu càng hiện đại, chi phí càng nhiều thì nông dân càng thua lỗ. Cái này chúng ta phải nhìn nhận trách nhiệm. Phải chuyển đổi các tàu và xử lý nợ xấu thế nào, chứ không thể đẩy rủi ro về phía ngư dân” -  đại biểu Lê Công Nhường bày tỏ./.

 

Theo VOV.VN