Banner

Mỹ Latinh hậu đại dịch Covid-19: Đối mặt với khủng hoảng giáo dục

09:03, 06/06/2022

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chương trình giáo dục ở Mỹ Latinh. Sau hai năm các trường học phải chuyển đổi sang giáo dục từ xa và dạy trực tuyến để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Carlos Felipe Jaramillo đã đưa ra cảnh báo, khu vực Mỹ Latinh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có.



 

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh tại các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh.


Trong diễn đàn trực tuyến mang tên “Giáo dục của tôi, tương lai của chúng ta”, do WB, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Tổ chức Đối thoại Mỹ Latinh đồng tổ chức ngày 2-6, đã kêu gọi hành động khẩn cấp và phối hợp để bảo đảm rằng tất cả trẻ em được trở lại đúng hướng trong học tập.

 

Theo ước tính của WB, trẻ em ở Mỹ Latinh bị mất 1-1,8 năm học tập do không thể tới trường trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã trải qua một trong những đợt đóng cửa trường học lâu nhất trên thế giới và cho tới nay vẫn có nơi học sinh chưa thể quay trở lại lớp học. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để khắc phục những mất mát trong học tập, cả một thế hệ trẻ em và thanh niên sẽ có ít cơ hội tiến bộ và hạnh phúc hơn. Do đó đây là lúc để hành động, để ngăn chặn những mất mát này, để hỗ trợ tương lai của thế hệ tiếp theo”, Phó Chủ tịch WB Carlos Felipe Jaramillo nhấn mạnh.

 

Trên thực tế, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Mỹ Latinh đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục, chỉ có 1/3 học sinh có các kỹ năng tối thiểu vào cuối cấp tiểu học. Ngoài ra, ước tính có khoảng 10,4 triệu trẻ em không được đến trường, làm tăng nguy cơ bị bạo lực, bóc lột và lạm dụng cũng như các rào cản đối với việc sinh kế sau này. Để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, hàng loạt trường học đã phải đóng cửa, học từ xa và trực tuyến đã được áp dụng. Tuy nhiên, do khoảng cách kỹ thuật số và sự bất bình đẳng về nguồn lực của gia đình, nhà trường, các chiến lược này được thực hiện không đồng đều, làm gia tăng khoảng cách về giáo dục.

 

Cụ thể, khi nhiều trường học trong khu vực gặp vấn đề về truy cập internet, đã buộc một số chính phủ phải lựa chọn cách dạy học qua kênh truyền hình, đài phát thanh và tài liệu in, như trường hợp ở Mexico, nơi có 25 triệu học sinh được dạy theo cách này. Bỏ học là một hậu quả quan trọng khác của đại dịch. Ước tính có khoảng 3,1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ Latinh và Caribe có thể không bao giờ trở lại trường học. Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ ở Colombia đã báo cáo có sự gia tăng các tổ chức tội phạm tuyển dụng thanh niên bỏ học. Hơn nữa, xác suất hoàn thành chương trình trung học ở 18 quốc gia Mỹ Latinh được ước tính đã giảm từ 56% xuống 42%.

 

Các chuyên gia lo ngại rằng nếu các biện pháp phục hồi khẩn cấp và tái tuyển sinh không được thực hiện, khu vực có thể phải đối mặt với một thế hệ mất mát, tương tự như các quốc gia đã phải hứng chịu nhiều năm chiến tranh. Vì vậy trong sự kiện “Giáo dục của tôi, tương lai của chúng ta”, các bên tham gia đã công bố “Cam kết phục hồi và bảo vệ việc học tập ở Mỹ Latinh và Caribe”, dựa trên 4 hành động chính: Đặt việc khôi phục giáo dục lên hàng đầu trong chương trình nghị sự công cộng; hòa nhập lại tất cả trẻ em đã bỏ rơi trường học; khôi phục việc học bị mất và bảo đảm sức khỏe của trẻ em; hỗ trợ và đào tạo giáo viên.

 

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Thật không may, các quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe bị ảnh hưởng nhiều nhất. Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng kiến thức và kỹ năng, đại dịch còn dẫn đến giảm cơ hội trên thị trường lao động cho thế hệ học sinh này.

 

Theo Hanoimoi.com.vn