Banner

Hành trình gia nhập EU của Ukraine, Moldova và Gruzia: Còn nhiều gian nan

09:05, 23/06/2022
Việc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova gia nhập khối một lần nữa thổi bùng hy vọng về những tiến triển mới trên con đường đưa hai nước này trở thành thành viên chính thức dưới “mái nhà chung” châu Âu. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng, hành trình này vẫn còn nhiều gian nan.

 

Lãnh đạo các nước Italia, Đức, Pháp và Rumani trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine tại Kiev hồi tuần qua.

 

Cùng với Gruzia, Ukraine và Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, con đường tới đích của ba nước lại rất khác biệt. Sau hơn 3 tháng từ thời điểm tiếp nhận đơn, Ủy ban châu Âu đã hoàn thành đợt kiểm tra đầu tiên và đề nghị Hội đồng châu Âu trao "tư cách ứng cử viên" cho Ukraine và Moldova. Trong khi đó, lối đi của Gruzia chưa thông mở, dù Tbilisi là một trong sáu đối tác trong quy chế đối tác thuộc khối Xô Viết có quan hệ đặc biệt với EU từ năm 2009.

 

Động thái nồng ấm của người đứng đầu Hội đồng châu Âu với Ukraine là điều dễ hiểu, bởi kịch bản cho nước này hiện sáng sủa hơn so với hai nước còn lại. Tới nay, các nhà lãnh đạo của ba quốc gia thành viên lớn nhất EU gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italia Mario Draghi đều lên tiếng ủng hộ tiến trình gia nhập của Ukraine. Thậm chí, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết các nước EU đã đạt đồng thuận về cấp quy chế ứng cử viên cho Kiev.

 

Với Moldova, cánh cửa cũng dần hé mở, nhưng việc gia nhập EU được cảnh báo có thể gây ra những mâu thuẫn bên trong quốc gia này. Theo nhật báo Libération (Pháp), một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, chỉ 1/3 người dân Moldova ủng hộ việc gia nhập EU. Ngoài ra, việc phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga đồng nghĩa rằng trở thành thành viên EU sẽ là một thách thức không nhỏ về mặt kinh tế đối với Moldova. Riêng Gruzia, nguyên nhân tạm thời chưa nhận được cái gật đầu của EU được cho là do liên quan tới những bất ổn chính trị nội bộ.

 

Những rào cản cũng xuất hiện khi nhìn từ góc độ của EU. Trước hết, giới quan sát tin rằng khối sẽ tránh lặp lại sai lầm trước đây, điển hình là bài học Cyprus. Năm 2004, EU mở rộng tư cách thành viên cho quốc đảo Địa Trung Hải bất chấp khu vực phía Bắc nước này vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Sau động thái này, xung đột đã trở thành rắc rối bế tắc của EU đến tận ngày nay. Việc vẫn có tranh chấp lãnh thổ chắc chắn là rào cản khiến Ukraine và Moldova khó trở thành thành viên EU trong một sớm một chiều.

 

Thứ hai, EU cũng nhận thức rõ về gánh nặng tài chính mà những ứng cử viên này sẽ mang lại khi gia nhập. Ukraine, Moldova và Gruzia với nền kinh tế kém hơn so với phần còn lại của EU sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với các quốc gia tiếp nhận. Ngoài ra, hệ thống trợ cấp nông nghiệp của EU sẽ phải điều chỉnh toàn diện nếu kết nạp Ukraine, vì đây là quốc gia có diện tích đất canh tác lớn.

 

Thứ ba, kịch bản EU “linh động” kết nạp các quốc gia chưa hội đủ các tiêu chuẩn cũng làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ mất uy tín. Trước đây, Brussels từng gặp nhiều khó khăn với Hy Lạp, nước không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về quản lý kinh tế, nhưng được kết nạp nhờ sự hậu thuẫn của Đức. Đó là chưa kể việc Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giữ tư cách ứng cử viên gia nhập EU. Đẩy nhanh tiến trình đưa Ukraine trở thành thành viên chính thức có thể khiến Brussels “khó ăn nói” với các nước này.

 

Dù đều có nguyện vọng rõ ràng, nhưng con đường gia nhập EU với Ukraine, Moldova và Gruzia vẫn còn nhiều gian nan. Những “thử thách” phía trước với mỗi nước sẽ được hé lộ trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của Hội đồng châu Âu, dự kiến diễn ra ngày 23 và 24-6 (giờ Brussels).

 

Theo Hanoimoi.com.vn