Banner

Giá dầu thế giới tăng cao: Nguy cơ làm chậm phục hồi kinh tế

10:22, 20/05/2022
Giá dầu đã tăng lên hơn 115 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17-5, mức cao nhất trong khoảng 7 tuần trở lại đây. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 6 và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chỉ cam kết tăng sản lượng bổ sung rất nhỏ là chỉ dấu cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục leo thang, nền kinh tế đứng trước nguy cơ chậm phục hồi...

 

Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác tăng sản lượng bổ sung một cách khiêm tốn sẽ đẩy giá dầu tiếp tục tăng cao.


Giá dầu tăng khoảng 20% kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng 2-2022, đã làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu. Cùng với đó OPEC+ trong cuộc họp đầu tháng 5 đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng khiêm tốn khi bổ sung thêm 432.000 thùng/ngày vào tháng 6, bất chấp việc EU đề xuất loại bỏ nguồn cung từ Nga. Động thái này của OPEC+ nghĩa là sẽ không có thêm lượng dầu bổ sung nào đến châu Âu để thay thế số dầu của Nga có thể bị cấm nhập khẩu. Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đề xuất lệnh cấm vận đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 6 và việc này đang được EU thảo luận. Chủ tịch EC Ursual von der Leyen cho biết, lệnh cấm vận dầu thô sẽ có hiệu lực sau 6 tháng và lệnh cấm vận sản phẩm tinh chế sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo các nhà phân tích, lệnh trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga - lệnh trừng phạt khó khăn nhất mà EU nhắm tới, sẽ khiến giá năng lượng tăng thêm.

 

Mỹ và Anh, những nhà nhập khẩu dầu lớn của thế giới muốn OPEC+ đưa nhiều dầu hơn vào thị trường toàn cầu để kéo giá dầu xuống. Tuy nhiên, vì Nga là một trong hai đối tác lớn nhất trong OPEC+ , nên liên minh này phải duy trì cách tiếp cận cân bằng trong quyết định của mình. Khi dịch Covid-19 tấn công và hầu như các quốc gia đều đóng cửa để ngăn chặn đại dịch, giá dầu thô đã giảm mạnh. Khi đó, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày để đẩy giá tăng trở lại. Nhu cầu dầu thô bắt đầu phục hồi vào tháng 6-2021 và OPEC+ dần dần tăng nguồn cung, đưa thêm 400.000 thùng mỗi ngày vào thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thô đã tăng vọt lên tới hơn 100 USD/thùng, nhưng OPEC+ vẫn không thay đổi kế hoạch tăng dần nguồn cung. Vào tháng 3-2022, giá dầu thô đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 (ở mức hơn 139 USD/thùng), sự thiếu hụt nguồn cung từ OPEC+ là yếu tố góp phần tạo nên dấu mốc kỷ lục.

 

Một lý do khác khiến OPEC+ không gấp rút tăng sản lượng là do một số thành viên của tổ chức này không có đủ dầu để bơm vào thị trường. Các nhà phân tích của Hãng Dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) dự đoán, thị trường toàn cầu có khả năng mất tới 2 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng nếu 27 quốc gia EU thông qua đề xuất trừng phạt dầu của Nga. Trong trường hợp không có dầu của Nga, EU có thể sẽ phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao hơn và hoạt động kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19, đã khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai phục hồi và gây thêm áp lực lên thị trường vốn đang khan hiếm.

 

Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại Công ty Dịch vụ ngoại hối City Index (Vương quốc Anh) cho biết: "Trừ khi OPEC+ gia tăng sản lượng nhanh chóng, còn không thì rất khó để thấy giá dầu có thể giảm". Cách tiếp cận thận trọng của OPEC+ và lệnh cấm vận dầu thô của Nga một khi được thực thi sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, có thể làm tăng giá các sản phẩm tinh chế như xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không. Giá tăng cao sẽ thúc đẩy lạm phát toàn cầu và không khuyến khích người dân chi tiêu - yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế.

 

Theo Hanoimoi.com.vn