Banner

Mùa đông ảm đạm ở châu Âu với số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh

09:04, 23/11/2021
Tính đến sáng sớm nay, tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu đã là 258 triệu ca, trong đó hơn 5,17 triệu trường hợp tử vong.


Tại châu Á, 80% dân số Indonesia có thể đã nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nước này.

 

Căn cứ xu hướng sụt giảm mạnh các ca lây nhiễm trong 3-4 tháng qua, các nhà khoa học cho rằng Indonesia đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên.

 

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới vẫn có thể xảy ra dù phần lớn người dân đã mang sẵn kháng thể tự nhiên. Do vậy, vẫn cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

 

Chính phủ Lào yêu cầu các đơn vị kinh doanh trên cả nước khi có ca nhiễm nội bộ cần tạm thời đóng cửa để làm vệ sinh, khử khuẩn và thực hiện các biện pháp sàng lọc, tách nhóm nguy cơ theo quy định của Ủy ban chuyên trách. Đơn vị nào không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ Lào cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện viên, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho việc tăng cường và mở rộng hoạt động tiêm chủng.

 

Trong khi đó, tại Campuchia, tình hình dịch đã được kiểm soát, tạo điều kiện để chính phủ nước này mở cửa trở lại các lĩnh vực xã hội. Hiện Campuchia đã mở cửa trở lại hầu hết các lĩnh vực, học sinh được trở lại trường học.

 

Đối mặt một mùa Đông ảm đạm với dự báo số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh, một số nước ở châu Âu đang siết chặt các biện pháp chống dịch, trong đó đặc biệt nghiêm ngặt với những người chưa tiêm chủng vaccine.

 

Israel hôm qua đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID -19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. 1,2 triệu trẻ em trong độ tuổi này sẽ tiêm vaccine của Pfizer /BioNTech.

 

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, đến tháng 11, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chiếm 1/3 số ca mắc mới COVID-19. Do đó, các quan chức y tế nước này tin rằng chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng khi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

 

Ngày 22/11, Áo bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ tư, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong mùa Thu này. Đây là đợt phong tỏa đầu tiên tại Áo kể từ khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai rộng rãi. Theo quy định mới, hầu hết các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày và có thể kéo dài lên đến 20 ngày.

 

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một điểm tiêm lưu động ở Vienna, Áo

ngày 18/11 - Ảnh: Reuters

Các chợ Giáng sinh, nơi thu hút lượng lớn khách du lịch, phải đóng cửa ngay khi vừa mới mở, trong khi khách sạn sẽ không đón tiếp những khách du lịch từ nơi khác tới. Tuy nhiên, dịch vụ thang máy lên núi trượt tuyết vẫn phục vụ cho những du khách đã tiêm chủng đầy đủ. Người dân có thể ra khỏi nhà với một số lý do như đi làm hoặc mua những sản phẩm thiết yếu. Người dân cũng được phép đi bộ mà không hạn chế thời gian hoặc khu vực đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép cử đại diện một người khi tiếp xúc với người ngoài. Nơi làm việc và trường học vẫn mở cửa, nhưng chính phủ khuyến khích phụ huynh nên cho trẻ em ở nhà.

 

Tại Đức, kể từ ngày 21/11, lệnh giới nghiêm với những người chưa tiêm bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố Meißen, Bautzen, Sächsische Schweiz-Osterzgebirge, Nordsachsen và Erzgebirgskreis. Còn tại bang Sachsen, kể từ ngày 22/11, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và địa điểm giải trí. Trong khi đó, bang miền Bắc Schleswig-Holstein sẽ áp đặt quy định 2G tại các không gian công cộng trong nhà.

 

Tại nơi làm việc, những người chưa tiêm chủng mỗi ngày đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh, hoặc kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện không quá 48 giờ. Ở bang miền Tây Nam Baden-Württemberg, 3 thành phố sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm đối với những trường hợp chưa tiêm chủng.

 

Theo các quy định mới, những người không tiêm sẽ bị yêu cầu ở nhà trong khoảng thời gian từ 9h tối đến 5h sáng hằng ngày. Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/11 cho rằng các biện pháp chống dịch áp dụng hiện nay ở nước này chưa đủ mạnh để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư đang gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Bà kêu gọi chính quyền 16 bang siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

 

Tại New Zealand, từ ngày 3/12 tới, hệ thống phân loại cấp độ dịch để sống chung với COVID-19 sẽ được áp dụng, theo đó dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và cho phép nối lại các hoạt động kinh doanh tại Auckland - thành phố lớn nhất nước. Theo thông báo của Thủ tướng Jacinda Ardern, hệ thống mới này sẽ phân cấp các khu vực theo các màu đỏ, cam, xanh lá cây tùy theo nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng của khu vực. Thành phố Auckland - tâm điểm của làn sóng bùng phát dịch do biến thể Delta - sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống phân cấp này và được xác định là vùng đỏ. Theo đó, người dân Auckland bắt buộc phải đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người ở khu vực công cộng.

 

Còn tại Australia, từ ngày 1/12, chính phủ nước này sẽ mở cửa biên giới cho khoảng 230.000 người nước ngoài, bao gồm sinh viên quốc tế, những người lao động theo diện thị thực việc làm, người nhập cảnh theo diện đoàn tụ gia đình và người có thị thực nhân đạo. Đây được xem là tin vui lớn sau hơn 18 tháng quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này chính thức đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19.

 

Theo VTV.VN