Banner

Nhiều quốc gia chuyển đổi mô hình chống dịch: Thích ứng để ''chung sống an toàn''

Sau gần 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây ra cuộc khủng hoảng y tế trên toàn cầu. Với kỳ vọng “dập tắt hoàn toàn dịch - Zero Covid-19”, hầu hết các nước đều áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như: Phong tỏa, giãn cách xã hội... nên đã khiến nền kinh tế bị suy kiệt. Để thích ứng với cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới”, nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng mô hình “chung sống an toàn với Covid-19”.


 

Mỹ là một trong những nước đi đầu về nỗ lực phục hồi các đường bay quốc tế. 


Anh là một trong những nước triển khai chiến dịch tiêm chủng tốt nhất ở châu Âu, nhưng hiện vẫn ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Mỹ tuy đạt mục tiêu tiêm chủng 70% dân số, song cũng đang chứng kiến số ca mắc mỗi ngày tăng nhanh, khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở những nước có tỷ lệ bao phủ vắc xin hàng đầu thế giới như: Israel, Singapore...

 

Thực tế cho thấy, thay vì cố gắng “quét sạch” dịch bệnh, nhiều quốc gia đã từng bước chuyển hướng sang mô hình “chung sống an toàn” với dịch Covid-19. Mục tiêu của mô hình này là giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân nhập viện, hạn chế các ca bệnh có diễn biến nặng…

 

New Zealand - quốc gia nổi tiếng là nghiêm ngặt khi thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 đã trở thành một trong những nước tiên phong từ bỏ chiến lược “Zero Covid-19”, sau khi mọi nỗ lực “xóa sổ đại dịch” ở Auckland thất bại. Tương tự, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng mô hình “sống chung với đại dịch Covid-19”.

 

Ngày 13-10, Hàn Quốc chính thức thành lập “Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật” để giải quyết các vấn đề phát sinh khi trở lại với “cuộc sống bình thường mới”. Sự tự tin của xứ Kim Chi nằm ở tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%, là mức được Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc đánh giá đủ điều kiện tạo ra miễn dịch cộng đồng và hạn chế rủi ro mà không cần các biện pháp giãn cách.

 

Ngoài Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đã tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 53% dân số, trong đó Đan Mạch đã đạt ngưỡng 73%, cho phép dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa. Hầu hết những quốc gia này đang từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở cửa biên giới, khôi phục các hoạt động dân sinh để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

 

Cùng với việc mở cửa trở lại nền kinh tế, nhiều nước tận dụng tối đa việc sử dụng “hộ chiếu vắc xin”, coi đây là tấm thẻ thông hành đối với các hoạt động công cộng như: Giao thông, du lịch, trường học... Hiện nay, Hà Lan, Pháp, Đức đã triển khai khung kiểm soát giấy thông hành chung đối với hoạt động đi lại của người dân. Sau khi mở lại thành công một số điểm du lịch và trường học... nhiều nước trong số này sẽ nối lại hoàn toàn các tuyến di chuyển quốc tế từ tháng 1-2022, trong đó Mỹ dự kiến dỡ bỏ hạn chế đường bay tới 33 quốc gia đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ.

 

Xu hướng sống chung an toàn với dịch Covid-19 hiện đang được giới chuyên môn ủng hộ. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan nhận định, dịch Covid-19 sẽ trở thành “một phần tất yếu” của thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, để trở lại “cuộc sống bình thường mới”, các quốc gia cần chú ý kết hợp để phát triển hệ thống y tế, khả năng áp dụng linh hoạt các biện pháp ứng phó tùy theo mức độ lây lan dịch bệnh của mỗi nước. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng phải bảo đảm được cơ chế thông tin đầy đủ, minh bạch, khuyến khích người dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân trong cuộc chiến chống dịch.

 

Có thể thấy, mô hình “chung sống an toàn với Covid-19” đang là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia. Cách làm này không chỉ giúp nhân loại ứng phó với dịch bệnh, mà còn bảo đảm phát triển kinh tế, khôi phục cuộc sống thường nhật cho người dân.

 

Theo Hanoimoi.com.vn